Hàng không Argentina tê liệt vì đình công, 35.000 khách hàng bị ảnh hưởng 

Công đoàn Aerolineas Argentinas, hãng hàng không quốc gia Argentina thuộc sở hữu nhà nước, đã phát động cuộc đình công, khiến hơn 330 chuyến bay nội địa bị hủy tại hơn 50 sân bay trên cả nước.
Hàng không Argentina tê liệt vì đình công, 35.000 khách hàng bị ảnh hưởng

Ngày 28/2, ngành hàng không Argentina đã bị tê liệt khi các nhân viên tiến hành đình công trên toàn quốc, khiến 35.000 khách hàng bị ảnh hưởng do các chuyến bay bị hủy.

Cuộc đình công trong vòng 24 tiếng, từ 0 giờ ngày 28/2, của các nhân viên hàng không Argentina nhằm yêu cầu tăng lương, khiến toàn bộ các chuyến bay trong nước và một số chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng.

Công đoàn Aerolineas Argentinas, hãng hàng không quốc gia Argentina thuộc sở hữu nhà nước, đã phát động cuộc đình công, khiến hơn 330 chuyến bay nội địa bị hủy tại hơn 50 sân bay trên cả nước và làm ảnh hưởng tới 24.000 hành khách, với mức thiệt hại lên tới 2 triệu USD.

Hãng hàng không Latam Airlines của Argentina và JetSmart của Chile cho phép các hành khách đổi vé không mất phí.

Tại sân bay Quốc tế Ezeiza, sân bay quan trọng nhất Argentina, hãng hàng không American Airlines và Flybondi là hai hãng duy nhất vẫn hoạt động bình thường bởi nhân viên mặt đất là người của hãng. Hơn 320 chuyến đi và đến từ Ezeiza nối tới các sân bay trong nước và quốc tế đã bị hủy.

 

Các nhân viên thuộc công ty Intercargo, đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại các sân bay Argentina, cũng tham gia đình công sau khi không đạt được thỏa thuận tăng lương trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Javier Milei quyết định phá giá tới 50% đồng peso nội tệ vào cuối năm ngoái và với mức lạm phát lên tới 20%/tháng, ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của người lao động.

Công đoàn ngành hàng không yêu cầu tăng 16% lương trong tháng 2 và 12% trong tháng 3, tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng ý tăng 12% mỗi tháng và hai bên đã không đạt được thỏa thuận.

Chính phủ của Tổng thống Milei, người theo chủ trương mở cửa tối đa nền kinh tế, có kế hoạch tư nhân hóa nhiều tập đoàn kinh tế quốc doanh, trong đó có Aerolineas Argentinas, bởi cho rằng mô hình quản lý nhà nước không hiệu quả.

Trong những ngày qua, công đoàn các ngành giáo dục, đường sắt và y tế liên tục đình công yêu cầu chính phủ tăng lương trong bối cảnh người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn vì lương thấp.

 

Ngày 20/2, Chính phủ Argentina thông báo ban hành nghị định tăng 30% lương tối thiểu cho người lao động, từ mức 156.000 peso (182 USD) lên 202.800 peso (236 USD theo tỷ giá hối đoái hiện nay).

Quá trình tăng lương sẽ được tiến hành trong giai đoạn từ tháng 2-3/2024 với mức tăng 15%/tháng. Mức lương tối thiểu tại Argentina sẽ đạt 180.000 peso (210 USD) trong tháng Hai và 202.800 peso vào tháng Ba.

Tuy nhiên, người lao động cho rằng trong tháng 1 vừa qua, lạm phát tăng tới 254,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 32 năm qua, thì việc tăng lương không đảm bảo cho đời sống.

Theo kết quả điều tra của Đại học Công giáo Argentina (UCA) được công bố ngày 18/2, tỷ lệ đói nghèo tại quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 1 vừa qua đã lên tới 57,4%, mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây./.

 

Các thành viên Hiệp hội điện ảnh và truyền hình Mỹ đình công bên ngoài Hollywood, California, ngày 9/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng đình công ở Mỹ có thể lan rộng trong năm 2024

Có nhiều cuộc đình công và cuộc đàm phán lớn đã diễn ra trong năm 2023, nhưng điều đó không có nghĩa là không có khả năng xảy ra một số cuộc đình công lớn trong năm 2024.

(TTXVN/Vietnam+)
179 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 452
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 452
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88611774