Hàn Quốc và Mỹ nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn 

Hàn Quốc sẽ đầu tư 1.250 tỷ won phát triển ngành bán dẫn trí tuệ nhân tạo đến năm 2029, còn Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua một dự luật trị giá hơn 50 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn.
Hàn Quốc và Mỹ nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn

Hàn Quốc và Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chất bán dẫn - thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE) Hàn Quốc ngày 21/7 cho biết nước này sẽ dành nhiều ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước, đồng thời hỗ trợ đào tạo 150.000 chuyên gia trong lĩnh vực này.

Cụ thể, đến năm 2029, Hàn Quốc sẽ đầu tư 1.250 tỷ won phát triển ngành bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) và 1.500 tỷ won để hỗ trợ ngành bán dẫn “Fabless” trong nước (chuyên về thiết kế nhưng không sản xuất chip).

Mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chip ở trong nước đẩy mạnh triển khai các kế hoạch đầu tư nội địa nhằm đưa Hàn Quốc trở thành “siêu cường toàn cầu trong ngành bán dẫn.”

Hàn Quốc cũng có kế hoạch thành lập một "học viện bán dẫn" vào năm 2023, dự kiến giúp đào tạo 3.600 chuyên gia trong 5 năm tới. Đến năm 2031, chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 150.000 nhân tài trong lĩnh vực này.

[Hàn Quốc “thận trọng” trong quyết định gia nhập "Chip 4" do Mỹ đề xuất]

Hàn Quốc đã duy trì vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chip nhớ. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực chip hệ thống vẫn còn bị tụt hậu.

Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua một dự luật trị giá hơn 50 tỷ USD nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Đây là một bước tiến về thủ tục, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu thông qua cuối cùng tại Thượng viện vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau. Dự luật sau đó sẽ được chuyển đến Hạ viện để thông qua trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Trọng tâm của dự luật là cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp khuyến khích các công ty chip của Mỹ tăng cường sản xuất ở trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở châu Á.

Năm ngoái, chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị gián đoạn nghiêm trọng do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các nhà sản xuất tại châu Á, trong khi nhu cầu mua sắm ôtô và đồ điện tử của người tiêu dùng Mỹ gia tăng khi nhận được trợ cấp tiền mặt của chính phủ. Việc sản xuất các mặt hàng này phụ thuộc vào nguồn cung chip bán dẫn./.

Đức Hưng-Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)

 

164 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1247
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1247
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143558