Hàn Quốc muốn lập quỹ chung với Nhật để bồi thường lao động cưỡng bức 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến nếu các công ty của hai nước lập một quỹ bồi thường chung.
Hàn Quốc muốn lập quỹ chung với Nhật để bồi thường lao động cưỡng bức

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 19/6 cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến nếu các công ty của hai nước lập một quỹ bồi thường chung cho các nạn nhân của chính sách này.

Quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ này đã ngày càng căng thẳng sau một loạt phán quyết của các tòa án Hàn Quốc năm ngoái yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức thời phátxít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên (1910-1945) phải bồi thường cho các nạn nhân.

Chính phủ Nhật Bản và các công ty liên quan đã bác bỏ các phán quyết trên. Tokyo khẳng định vấn đề này đã được giải quyết khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Theo đề xuất của Hàn Quốc, các công ty của hai nước - trong đó có các công ty Nhật Bản được nhắc đến trong các phán quyết của các tòa - lập một quỹ tự nguyện để bồi thường cho các nạn nhân.

[Nhật Bản muốn Hàn Quốc sớm lập ủy ban giải quyết bất đồng thời chiến]

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Nếu Tokyo chấp nhận đề nghị của chúng tôi, Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng xem xét đề nghị của Chính phủ Nhật Bản."

Tuy nhiên, ngay sau khi Hàn Quốc đưa ra đề xuất trên, phía Nhật Bản đã bác bỏ. Hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản vẫn giữ quan điểm rằng mọi vấn đề liên quan đến bồi thường đã được giải quyết theo thỏa thuận khi quan hệ song phương được bình thường hóa năm 1965 và nước này phản đối các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc.

Trước đó cùng ngày, Nhật Bản cũng đã đưa ra một đề nghị khác với Hàn Quốc về việc lập một tổ trọng tài gồm các nước thứ ba để thảo luận vấn đề này. Đề nghị mới này đòi hỏi cao hơn một đề nghị đưa ra hôm 20/5, theo đó tổ trọng tài gồm một thành viên của mỗi nước và một thành viên nước thứ ba.

Các đề xuất của Tokyo dựa theo nội dung của thỏa thuận năm 1965. Thỏa thuận này nêu rõ hai nước sẽ lập một tổ trọng tài phân xử nếu không thể giải quyết tranh cãi thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao năm 1965.

Nếu không thể giải quyết, tranh chấp có thể được đưa ra một ủy ban có thêm một trọng tài của nước thứ ba do hai bên nhất trí. Nếu giải pháp này cũng thất bại, hai bên sẽ lập một tổ trọng tài trong đó có 3 thành viên nước thứ ba./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 624
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 624
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89007956