Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 4/4, cho biết nước này có kế hoạch tiến hành một vụ phóng tên lửa đẩy sử dụng hoàn toàn nhiên liệu rắn vào năm 2025.
Seoul đặt ra mục tiêu trên sau khi phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hôm 30/3 vừa qua.
Cụ thể, Hàn Quốc đã đặt mục tiêu phát triển tên lửa đẩy để đưa vệ tinh thực nghiệm trọng lượng 500kg lên quỹ đạo tầm thấp, cách Trái đất 500km.
Theo quan chức trên, quân đội nước này đã lên kế hoạch phóng tên lửa đẩy sử dụng hoàn toàn nhiên liệu rắn vào năm 2025 tại Trung tâm vũ trụ Naro, huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla, cách Seoul 473km về phía Nam.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết có thể cần tiến hành thêm 1-2 vụ phóng thử nhằm kiểm chứng các tính năng của loại tên lửa trên.
Tuần trước, Cơ quan Phát triển quốc phòng (ADD) Hàn Quốc đã tiến hành một vụ phóng tên lửa đẩy tại bãi thử nghiệm ở Taean, cách thủ đô Seoul 150km về phía Tây Nam nhằm mục đích kiểm chứng khả năng phân tách, hoạt động của động cơ tên lửa và một số tính năng cơ bản khác.
Vụ thử hôm 30/3 đánh dấu một “cột mốc quan trọng” trong mục tiêu tăng cường khả năng do thám và giám sát trên không một cách độc lập của quốc gia này.
[Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu]
Đối với kế hoạch phóng tên lửa lên không gian vào năm 2025, Hàn Quốc dự kiến sẽ chế tạo một tên lửa gồm 4 tầng, trong đó 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn và tầng cuối sử dụng nhiên liệu lỏng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Cũng theo quan chức trên, vệ tinh được phóng vào không gian có nhiệm vụ chính là quan sát Trái Đất, do đó có thể sử dụng cho các mục tiêu quân sự và dân sự.
Tuy nhiên, quan chức này cũng bác bỏ những đồn đoán cho rằng Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình phát triển tên lửa với trọng tâm nâng cao năng lực tên lửa nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, bao gồm cả vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 24/3 vừa qua.
Quan chức này cho biết thêm ADD là nhà phát triển chính về động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Cơ quan này đóng vai trò là nhà cung cấp chính các công nghệ liên quan với mục tiêu chính là chuyển giao các công nghệ này cho lĩnh vực dân sự./.
Đức Hưng (TTXVN/Vietnam+