Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ngày 26/7, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baek Tae-hyun khẳng định Seoul không ấn định thời hạn chót các đề xuất đối thoại với Bình Nhưỡng. Cho dù tới nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra lời hồi đáp trước các đề xuất đối thoại, song Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục chờ đợi một cách bình tĩnh phản hồi tích cực từ Triều Tiên.

 

Ngày 17/7, Hàn Quốc đề xuất nối lại đối thoại quân sự với Triều Tiên vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom nằm trong khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) nhằm chấm dứt mọi hành vi thù địch tại đường ranh giới quân sự (MDL) giữa hai miền Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul cũng đề xuất đối thoại riêng rẽ với Triều Tiên về việc nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Các đề xuất trên nhằm tiếp nối "Sáng kiến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố tại Berlin (Đức) hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, cho tới nay, Triều Tiên vẫn giữ thái độ im lặng trước các lời đề nghị của Hàn Quốc.

Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh dư luận đang quan ngại về khả năng Triều Tiên sẽ có động thái khiêu khích mới nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày ký Hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào ngày 27/7.

Ngày 26/7, Bộ trưởng các lực lượng Lực lượng vũ trang Triều Tiên Pak Yong-sik cảnh báo nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ nếu như Washington có các “toan tính sai lầm” trước thềm kỷ niệm 64 năm ngày hai miền Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến. 

Cùng ngày, hãng tin CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng (giấu tên) của Mỹ cho biết Triều Tiên dường như đang huy động các phương tiện chở thiết bị phục vụ cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tại thành phố Kusong thuộc một tỉnh nằm ở khu vực Tây Bắc Triều Tiên.

Trong một tuyên bố liên quan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ngày 26/7 đã tỏ rõ quan điểm của Bắc Kinh nhằm phản đối các động thái vi phạm các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó gồm khả năng Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 

Đề cập tới việc chính phủ Mỹ có ý định nới rộng trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc đang hợp tác với Triều Tiên, ông Lục Khảng tuyên bố Bắc Kinh sẽ trừng phạt những đối tượng vi phạm các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo luật pháp Trung Quốc. Phát ngôn viên này cho rằng, hành động trên của Mỹ sẽ không giúp giải quyết vấn đề, mà trái lại sẽ “để lại hiệu ứng ngược” đối với niềm tin và mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington./.

Thu Lan (Theo Yonhap, NHK, Bernama/Xinhua)