Phát biểu trong một buổi lễ truyền thống được các gia đình có người thân bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên tổ chức tại công viên Imjingak gần khu vực biên giới liên Triều nhân dịp Tết trung thu (Lễ hội Chuseok) của người Hàn Quốc, ông Cho Myoung-gyon nhấn mạnh: “Chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán (trong chiến tranh Triều Tiên) đã bị ngừng trệ trong suốt hai năm qua…Kể từ sau khi đề xuất nối lại chương trình ngày vào ngày 6/7, chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để kêu gọi phía Triều Tiên đưa ra lời hồi đáp…Một lần nữa, tôi kêu gọi Triều Tiên thúc đẩy mục tiêu hòa bình và tái hòa giải thông qua việc giải quyết vấn đề này”.

Hiện có khoảng 10 triệu người dân Triều Tiên đang sống trong tình cảnh bị chia cắt với họ hàng sau cuộc chiến tranh năm 1950 - 1953 và một thỏa thuận đình chiến mong manh được ký kết giữa hai miền Triều Tiên khi cuộc chiến này kết thúc. Sau đó, các tổ chức Chữ thập đỏ của hai miền đã đạt được một thỏa thuận, mở đường cho cuộc đoàn tụ đầu tiên diễn ra vào năm 1985.  Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 2000 đã tạo tiền đề để hai miền Triều Tiên tổ chức các chương trình đoàn tụ một cách thường xuyên hơn. Cho tới nay, hai miền Triều Tiên đã tổ chức 20 cuộc đoàn tụ, với sự tham gia của khoảng 20.000 người - cho phép các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 -1953 có thể gặp mặt trực tiếp hay thậm chí là cho phép họ có thể trò chuyện qua video với người thân.

Tuy nhiên, hoạt động ý nghĩa này đã không được nối lại trong vòng 2 năm qua, kể từ sau cuộc đoàn tụ gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2015. Trong thời gian qua, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng đã có nhiều diễn biến căng thẳng, dẫn tới việc các dự án hợp tác kinh tế chung tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang và tổ hợp công nghiệp Kaesong bị đình trệ.

Gần đây nhất, vào tháng 9/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – người theo đuổi chủ trương thiết lập mối quan hệ hòa hợp với Triều Tiên đã nối lại chương trình viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong một động thái xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền. Tuy nhiên, triển vọng hai miền Triều Tiên có thể nối lại các chương trình và các dự án hợp tác trên vẫn còn rất mờ nhạt do những căng thẳng liên tiếp leo thang xung quanh các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa mà chính quyền Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Tháng 7/2017, Hàn Quốc đề xuất đối thoại với Triều Tiên để thảo luận về vấn đề nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh và tiến hành đàm phán quân sự để giảm căng thẳng tại khu vực biên giới liên Triều, song vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền Bình Nhưỡng./.

Thu Lan (Theo Yonhap, Nikkei)