Hàn Quốc hối thúc sớm hoàn tất đàm phán RCEP vào năm tới 

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 14/11 khẳng định Hàn Quốc sẽ nỗ lực hỗ trợ để sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hàn Quốc hối thúc sớm hoàn tất đàm phán RCEP vào năm tới

Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, tại cuộc họp có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán RCEP ở thủ đô Manila của Philippines, Bộ trưởng Kim Hyun-chong cũng hối thúc những nỗ lực chung nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu. 

Bộ trưởng Kim Hyun-chong đã có bài phát biểu thay cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã buộc phải vắng mặt tại cuộc họp này do vấn đề lịch trình. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kim Hyun-chong đã cảnh báo về sự gia tăng các nguy cơ toàn cầu do sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự không chắc chắn về chính trị. Theo ông, những khó khăn này khiến cho các nước gặp khó khăn hơn trong việc chủ động ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 


Ông nhận định nếu như được ký kết, RCEP sẽ giúp tạo thêm việc làm cho người dân trong khu vực, cũng như tạo ra một cơ chế hợp tác kinh tế toàn diện và cùng đạt được thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan chức này đề nghị mỗi nước cần thể hiện sự linh hoạt trong khi thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện và cấp cao để toàn bộ các nước tham gia được hưởng lợi. Ông kêu gọi tất cả các bên tham gia đẩy mạnh nỗ lực nhằm hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP vào năm 2018. Trước đó, các nước RECP đã hai lần bỏ lỡ các thời hạn chót vào năm 2015 và 2016.

Ra đời năm 2012, RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên ASEAN và sáu đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 39% Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP). 

Việc hoàn tất RCEP sẽ dẫn tới việc thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới, giúp RCEP có tiềm năng đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu. Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng./. 

372 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1237
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1237
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171913