Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch-Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho ngày 26/6 cho biết lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc có thể sẽ tăng trên 6% trong giai đoạn từ tháng 6-8/2022 do giá dầu, thực phẩm và nguyên liệu trên toàn cầu tăng vọt.
Phát biểu trong cuộc thảo luận về kinh tế trên đài KBS, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết: "Tỷ lệ lạm phát 6% dự báo sẽ tiếp diễn trong tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám."
Nếu tỷ lệ lạm phát giá cả tiêu dùng trong tháng 6/2022 vượt 6%, thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 23 năm và 7 tháng tính từ thời điểm khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 11/1998 (6,8%).
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm lên mức 1,75% trong tháng 5/2022 và là lần tăng lãi suất thứ năm kể từ tháng 8/2021.
Đồng won của Hàn Quốc ngày 23/6 đóng cửa ở mức 1.301,80 won/USD, đánh dấu tỷ giá thấp nhất kể từ ngày 13/7/2009, khi đồng nội tệ giao dịch ở mức 1.315 won/USD.
Bộ trưởng Tài chính Choo cho biết nếu đồng won giảm sâu hơn, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ có hành động, ám chỉ khả năng bơm USD ra thị trường để hỗ trợ giá trị của đồng won.
Trước tình hình lạm phát tăng mạnh, nhiều chuyên gia đang dự đoán về khả năng BoK sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm “một bước đáng kể” trong cuộc họp của Ủy ban Chính sách tiền tệ vào ngày 13/7.
[BoK: Lạm phát năm 2022 có thể lên mức cao nhất trong 14 năm]
BoK buộc phải xem xét việc nâng lãi suất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong động thái mới nhất nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát tăng cao. Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất ở mức cao như trên kể từ tháng 11/1994.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, giá xăng trong nước đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại. Theo Hệ thống thông tin giá dầu của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Hàn Quốc, ngày 26/6 giá xăng trung bình trên toàn quốc là 2.131,16 won/lít.
Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát và tình trạng tăng giá cả sinh hoạt, song Phó thủ trướng Choo ngày 26/6 đã xác nhận rằng cần phải tăng giá điện vì không thể trì hoãn thêm và chính phủ sẽ sớm đưa ra phương án nâng giá điện ở mức phù hợp.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng dự kiến trong ngày 27/6 sẽ công bố kế hoạch tăng giá điện trong quý 3/2022.
Giải thích về quyết định này, Phó Thủ tướng Choo cho biết việc giá dầu quốc tế, giá nguyên liệu thô và giá ngũ cốc quốc tế tiếp tục tăng mạnh chắc chắn sẽ tác động nhiều đến các biện pháp bình ổn của chính phủ.
Việc tăng giá điện là không tránh khỏi và quyết định này cũng sẽ kích thích lạm phát song không có sự lựa chọn nào khác
Phó Thủ tướng Choo cho biết việc tăng giá điện là do chính sách năng lượng sai lầm trong 5 năm qua. Tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân giá rẻ giảm xuống và tỷ trọng năng lượng mới và tái tạo tăng lên, nếu giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng như hiện nay, dẫn đến tất yếu là giá phát điện sẽ tăng.
Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) gần đây đã báo cáo khoản lỗ kỷ lục và đệ trình kế hoạch tăng giá điện trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, Bộ chủ quản chưa đưa ra quyết định về mức tăng giá cuối cùng.
Giáo sư Kim Jeong-sik, thuộc Khoa Kinh tế tại Đại học Yonsei, cho biết “nếu giá điện tăng, chắc chắn sẽ kéo theo tác động đến các loại hàng hóa khác”./.
Khánh Vân (TTXVN/Vietnam+)