Theo cuộc khảo sát do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) thực hiện, gần 60% chuyên gia kinh tế và tài chính lo ngại rằng Hàn Quốc có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trong ngắn hạn giữa lo ngại rằng chi phí đi vay tăng cao có thể đè nặng lên các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Đầu tháng này, BoK đã tiến hành cuộc khảo sát đối với 72 chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả khảo sát cho thấy 58,3% chuyên gia nhận định có khả năng cao về việc xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính trong vòng một năm. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 26,9% được đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng Năm.
Trong số các yếu tố rủi ro, 27,8% chuyên gia đều cho rằng các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức khi nỗ lực đảm bảo các nguồn quỹ cần thiết trước đà tăng của chi phí đi vay.
[Chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023]
Trong khi đó, 16,7% chuyên gia lo lắng về mức nợ hộ gia đình cao và gánh nặng trả nợ ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng Chín, dư nợ tín dụng hộ gia đình đã tăng 2.200 tỷ won so với ba tháng trước đó lên 1.870.600 tỷ won (1.370 tỷ USD).
BoK đã tăng lãi suất thêm 2,75 điểm phần trăm với 8 đợt điều chỉnh kể từ tháng 8/2021 để kiểm soát lạm phát. Các ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay khiến doanh nghiệp và hộ gia đình khó vay hoặc trả nợ hơn. Nhiều nguồn tin dự đoán BoK sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất khác trong tuần này.
Kết quả điều tra “Xu hướng tiêu dùng tháng 11” của BoK công bố ngày 22/11 cho thấy tỷ lệ lạm phát kỳ vọng đã được hạ xuống còn 4,2%, thấp hơn 0,1% so với tháng 10/2022. Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng của Hàn Quốc sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 4,7% vào tháng Bảy vừa qua, đã lần lượt hạ xuống còn 4,3% và 4,2% trong tháng Tám và Chín, rồi tăng lên 4,3% trong tháng Mười song cuối cùng đã trở lại xu thế giảm trong tháng 11./.
Trà My (TTXVN/Vietnam+)