Phát biểu tại cuộc họp nội các về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nêu rõ, bắt đầu từ ngày 8/5 tới, nước này sẽ triển khai kế hoạch kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày. Các cuộc tụ họp và các sự kiện sẽ được phép tổ chức với điều kiện ban tổ chức và người tham gia thực hiện các biện pháp chống lây nhiễm.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) tính đến 16h ngày 3/5 cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.793 người (tăng 13 ca, chủ yếu là "ngoại nhập"). Số ca tử vong vẫn là 250 ca, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 60 người, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 9.183 người, chiếm 85,1%. Số ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh đã vượt 1.000 người, trong đó 91% là công dân Hàn Quốc.
Tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus corona cho trên 600.000 người và hiện vẫn còn hơn 8.000 người đang chờ kết quả. Theo KCDC, xu hướng lây nhiễm tập thể chiếm trên 80% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại và chưa có ca tử vong nào ở độ tuổi dưới 30.
Cũng trong ngày 3/5, hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đang lên kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm khoảng một tháng, tới hết ngày 31/5. Quyết định chính thức về vấn đề này sẽ được đưa ra trong ngày 4/5.
Trước đó, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ cho phép một số địa điểm như công viên, bảo tàng, thư viện và một số cơ sở công cộng khác mở cửa trở lại nếu có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chính phủ cũng sẽ ban hành các hướng dẫn nối lại hoạt động xã hội một cách an toàn trong ngày 4/5.
Theo kế hoạch, tình trạng khẩn cấp sẽ chấm dứt vào ngày 6/5 sau một tháng được áp dụng. Trong thời gian này, chính quyền các địa phương yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài và đóng cửa một số cơ sở kinh doanh.
Singapore tiến tới nới lỏng
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết nước này sắp bắt đầu nới lỏng lần lượt một số hạn chế từng được áp đặt nhằm bẻ gãy chuỗi lây lan của dịch COVID-19. Một số hoạt động như kinh doanh tại nhà, dịch vụ giặt ủi và cắt tóc sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 12/5.
Học sinh sẽ quay lại trường học theo nhóm nhỏ từ ngày 19/5. Một số cơ sở làm việc sẽ dần nối lại hoạt động tùy theo tầm quan trọng của những cơ sở này đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng và khả năng giảm thiểu rủi ro truyền nhiễm.
Đảo quốc 5,7 triệu dân này là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Á, chủ yếu do bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở tập thể chật hẹp dành cho người lao động di cư.
Báo cáo của Bộ Y tế Singapore chiều 3/5 cho thấy trong ngày 2/5, nước này ghi nhận thêm 657 ca mới, đưa tổng số bệnh nhân của dịch bệnh này tại đây lên 18.205 người. Đáng chú ý là số ca tử vong ở đây vẫn giữ là 17 và số ca nguy kịch chỉ là 24.
Nhiều người Malaysia không đồng tình
Trong khi đó, theo báo The Straits Times, trong sáng 2/5 đã có ít nhất 340.000 người dân Malaysia ký vào kiến nghị thư trên mạng yêu cầu chính quyền không được phép nới lỏng phong tỏa từ ngày 4/5.
Vào ngày 1/5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã thông báo sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp khôi phục hoạt động từ ngày 4/5, nới lỏng một phần những hạn chế được áp đặt nhằm kiềm chế dịch COVID-19. Thủ tướng Yassin nêu rõ quyết định có dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế Malaysia và Tổ chức Y tế thế giới.
Theo ông Yassin, một số biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và duy trì vệ sinh dịch tễ vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Các hoạt động thể thao có không quá 10 người tham gia như chạy, cầu lông và đạp xe được phép diễn ra; các hàng ăn có thể mở cửa lại nhưng phải tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Malaysia vẫn chưa mở cửa lại biên giới, dịch vụ du lịch nước ngoài cũng chưa được hoạt động trở lại.
An Bình