Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã đánh giá cao vai trò của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong việc nâng cao sự hiểu biết giữa các nước đối với các vấn đề an ninh lớn trong khu vực thông qua các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và xây dựng lòng tin.
Ông Chung Eui-yong cũng đề nghị tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên ARF để thiết lập một trật tự khu vực hòa bình và ổn định hơn.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ông Chung Eui-yong đã đưa ra phát biểu trên khi tham dự ARF (diễn ra tối 6/8 theo hình thức trực tuyến) và thảo luận các vấn đề liên quan an ninh khu vực, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Myanmar và Biển Đông.
Tham dự sự kiện có 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Timor Leste, Sri Lanka, Bangladesh, Mông Cổ và Pakistan.
Tại diễn đàn lần này, phía Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các thành viên ARF để tạo ra một môi trường mạng an toàn trước các mối đe dọa như các cuộc tấn công mạng tinh vi hơn trong bối cảnh sự phụ thuộc vào không gian mạng ngày càng tăng do đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, với tư cách là đồng Chủ tọa phiên họp về an ninh công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) cho giai đoạn 2021-2024 cùng với Indonesia, Australia và Nga, Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy an ninh mạng.
[ARF-28: Chung tay hành động là sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh]
Nhà ngoại giao Hàn Quốc cũng cho rằng giữa lúc việc phái cử và đào tạo các lực lượng gìn giữ hòa bình gặp nhiều hạn chế do dịch COVID-19, các thành viên ARF cần tiếp tục hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) để thiết lập một trật tự khu vực hòa bình và ổn định hơn.
Ông kêu gọi sự quan tâm và tham gia của các thành viên ARF, hy vọng Hội nghị Bộ trưởng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, dự kiến tổ chức tại Seoul vào tháng 12 tới, sẽ là cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Chung Eui-yong nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đạt được tiến bộ thực chất hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông hoan nghênh sự tham gia của đại diện Triều Tiên (Đại sứ Ahn Kwang-il tại Indonesia) tại ARF lần này, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại.
Quan chức Chính phủ Hàn Quốc liên lạc với đại diện Triều Tiên qua đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai miền Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom ở Paju (Hàn Quốc) ngày 3/1/2018. (Ảnh: AP/TTXVN)
Ông nhấn mạnh những nỗ lực đã được thực hiện để tiếp tục đối thoại giữa các bên và nhắc lại sự nhất trí đưa Bán đảo Triều Tiên thành vùng đất hòa bình không có vũ khí hạt nhân trong Thỏa thuận liên Triều, thúc giục hai bên thực hiện những cam kết này. Ông cho biết ông mong đợi Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong trung và dài hạn.
Một số nước tham gia diễn đàn cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của đối thoại vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như sự cần thiết phải thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về vấn đề Myanmar, Ngoại trưởng Chung Eui-yong kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở Myanmar và nhanh chóng trả tự do cho những người bị giam giữ, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò mang tính xây dựng của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.
Ngoài ra, ông hoan nghênh việc bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Eriwan Yusov làm Đặc phái viên về Myanmar, nhấn mạnh rằng năm nội dung đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN hồi tháng Tư cần được thực hiện, trong đó có việc chấm dứt bạo lực ngay lập tức, khởi xướng đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, cung cấp viện trợ nhân đạo và tiến hành chuyến đi Myanmar của Đặc phái viên và Phái đoàn ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Chung Eui-yong nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là vấn đề rất quan trọng đối với tất cả các nước, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo sự tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Diễn đàn ARF lần này đã ra Tuyên bố về Thanh niên, Hòa bình và An ninh, nhấn mạnh việc mở rộng sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động gìn giữ hòa bình./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)