Hạn ngạch nhập cư EU: Chưa bằng mặt, khó bằng lòng 

(Chinhphu.vn) – Thực tế cho thấy các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn năm 2015.
Hạn ngạch nhập cư EU: Chưa bằng mặt, khó bằng lòng
.
Những người Libya chen chúc trên những con thuyền rách nát để vượt biển đến Italy - Nguồn: Sputnik
Ngày 6/9, Tòa án Tư pháp châu Âu đã bác khiếu nại của Hungary và Slovakia đối với kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư giữa các nước thuộc EU. 

Tuyên bố chính thức của tòa nêu rõ "Tòa án bác bỏ những hành động của Slovakia và Hungary chống lại cơ chế tạm thời về việc tái bố trí bắt buộc đối với những người tị nạn". Tuyên bố khẳng định cơ chế này tính toán cân đối việc phân bổ người di cư, qua đó hỗ trợ Hy Lạp và Italy đối phó với tác động từ cuộc khủng hoảng người di cư 2015. 

Phản ứng sau thông tin trên, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, nước này tôn trọng phán quyết của Tòa Tư pháp châu Âu song sẽ không thay đổi quan điểm đối với cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư. Ông Fico cho biết Slovakia sẽ tiếp tục đấu tranh trong vấn đề này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích quyết định của Tòa Tư pháp châu Âu là "vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được", đe dọa đến an ninh và tương lai của châu Âu. 

Về phần mình, Tổng thống Séc Milos Zeman cho biết, Séc không nên khuất phục trước EU và không cần phải chấp nhận các cơ chế bắt buộc về phân bổ người di cư giữa các nước thành viên trong liên minh. Bình luận về phán quyết này, Tổng thống Zeman nhấn mạnh, Séc chấp nhận mất các nguồn hỗ trợ tài chính của EU để đổi lại không phải tiếp nhận người di cư. Ông cho rằng, việc tiếp nhận người di cư Hồi giáo tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Séc khi những phần tử mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan có thể trà trộn vào dòng người di cư. Tuy nhiên, Tổng thống Zeman cũng cho biết, Chính phủ Séc đã chuẩn bị chi 600 triệu kron (tương đương 30 triệu USD) để bố trí người di cư ở nước này. 

Thực tế cho thấy các nước thành viên của EU đã bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn năm 2015.  

Các quốc gia Trung và Đông Âu từ chối không tiếp nhận người tị nạn là bởi họ cho rằng việc áp đặt hạn ngạch lên các quốc gia thành viên có chủ quyền là phi lý và không thể chấp nhận được.

Đó còn chưa kể tới việc Trung và Đông Âu còn là những nước nghèo khó ở châu Âu. Song, lý do quan trọng hơn, đó là những lo ngại mới về nguy cơ an ninh tiềm ẩn.

Một loạt các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại một số nước Tây Âu thời gian gần đây, trong đó có các vụ tấn công ở Anh, Đức làm dấy lên những lo ngại về các cuộc khủng bố tương tự tại các quốc gia Trung và Đông Âu.

Đây cũng là lý do tại sao đến nay, mục tiêu nêu trên chưa thể hoàn thành. Đến tháng 7 năm nay, mới chỉ có 24.000 người tị nạn được chuyển từ Hy Lạp và Italy sang các nước thành viên khác. 

Giới phân tích cho rằng, phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, bởi nó gây thêm mâu thuẫn giữa các nước thành viên trong EU và có thể khiến Hungary và Slovakia phản ứng gay gắt hơn.

Năm 2015, làn sóng người tị nạn do chiến sự tại Syria, xung đột và nghèo đói tại Trung Đông cùng nhiều nước châu Phi khác đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với hơn 1 triệu người xin tị nạn. Kể từ đó đến nay, Hy Lạp và Italy là hai cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển nhằm tìm kiếm một tương lai an toàn và tốt đẹp hơn tại các nước Trung và Bắc Âu. 

Sau khi các đường biên giới dọc hành lang các nước Balkan bị đóng cửa vào mùa Đông năm 2016, hơn 60.000 người di cư, tị nạn đã bị mắc kẹt tại Hy Lạp. EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn, nhưng mục tiêu này đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu. 

 

An Bình (tổng hợp)
436 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1470
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1470
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88996682