Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết gần một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) đang thiếu nước do hạn hán. Hiện tượng này, kết hợp với những đợt nắng nóng kéo dài, đang gây ra nhiều hệ quả.
Ngoài việc phải trải qua những đợt nắng nóng kéo dài, châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) của EC công bố hôm 26/7, có đến 46% lãnh thổ của EU đang ở mức cảnh báo, tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức báo động.
Các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Italy, Hy Lạp và Bán đảo Iberia.
Đợt hạn hán này, bắt đầu từ đầu năm và có liên quan đến việc lượng mưa giảm mạnh. Cụ thể là từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2022, lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình ở các vùng lãnh thổ ở mức cảnh báo và 22% ở các vùng lãnh thổ trong tình trạng báo động.
Tình trạng hạn hán trở nên trầm trọng thêm do các đợt nắng nóng mạnh đặc biệt đến sớm ở lục địa này vào mùa Hè năm nay. Theo các chuyên gia, tình hình chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí đang ngày càng tồi tệ hơn.
Do thiếu nước, hầu hết các loại đất ở châu Âu có biểu hiện bất thường về độ ẩm. So với tình hình trong tháng 5-6, độ ẩm của đất đã giảm mạnh ở Hungary, Slovakia và Romania. Đức và Ba Lan cũng đang chứng kiến tình hình ngày càng xấu đi. Miền Nam của Pháp, Italy và Bồ Đào Nha đã không bù lại được tình trạng thiếu hụt độ ẩm của đất trong tháng qua.
Nông nghiệp và thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Các nước đặc biệt bị ảnh hưởng là Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và ở một mức độ nào đó, Đức và Ba Lan.
Vào tháng Năm, Công đoàn Nông nghiệp Pháp đã cảnh báo rằng sản lượng lương thực bị mất ở quốc gia này có thể lên tới 40% nếu tình hình hạn hán tiếp tục diễn ra.
[Infographics] Tình trạng khô hạn diễn ra nghiêm trọng ở châu Âu
Thâm hụt lượng mưa khiến các con sông khô cạn. Tại Pháp, khách du lịch đến thăm Gorges du Verdon đã chứng kiến dòng chảy giảm mạnh, khiến nhiều hoạt động dưới nước không thể thực hiện được. Nhiều con sông ở châu Âu cũng chịu chung số phận, đặc biệt là ở Đông Âu, cũng như sông Po ở Italy.
Ở Tây Ban Nha, lượng nước trong các hồ chứa đã giảm 31% so với bình thường, khiến sản lượng điện giảm 3.060 GWh trong 6 tháng đầu năm. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện. Báo cáo cảnh báo rằng nếu tình hình này nếu tiếp tục sẽ có thể làm tăng giá điện của châu Âu, vốn đã ở mức cao kỷ lục.
Báo cáo kết luận rằng giải pháp duy nhất để khắc phục vấn nạn này là ngăn cản hiện tượng nóng lên toàn cầu, vốn đang làm "thay đổi chu trình vận hành nước của hành tinh"./.
Nguyễn Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)