Hải Lăng quyết tâm tạo chuyển biến trong xuất khẩu lao động 

(QT) - Cho đến nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng huyện Hải Lăng vẫn là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của đa số người dân. Tuy nhiên năng suất, hiệu quả, giá trị lao động chưa cao, nhiều lao động chưa có việc làm ổn

 

Một buổi đối thoại về XKLĐ

 

Từ năm 2016 đến nay huyện đã có nhiều đổi mới trong nhận thức và hành động nhằm tạo chuyển biến trong XKLĐ. Nếu như những năm trước toàn huyện chỉ có vài chục người tham gia XKLĐ thì năm 2016 số người làm các thủ tục đi lao động nước ngoài lên tới 141 người, đạt 201% kế hoạch. Trong đó tập trung nhiều nhất vào các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/người/năm. Năm 2017 huyện đặt ra chỉ tiêu đưa 110 người đi làm việc ở nước ngoài.

 

Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ và việc làm huyện và Ban chỉ đạo về xuất khẩu lao động ở các xã, thị trấn, huyện tiến hành làm việc với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để phối hợp trong việc cho vay vốn và theo dõi quản lý, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ thủ tục vay thuận lợi, giải ngân vốn kịp thời. Nhiều xã đưa chỉ tiêu XKLĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Qua khảo sát cho thấy Hải Lăng có lực lượng lao động dồi dào, có khả năng tham gia XKLĐ (trong độ tuổi 18-30 là hơn 30.000 người). Trong đó huyện chú ý các đối tượng tuyên truyền, vận động tham gia XKLĐ là thanh niên hộ nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên ra trường nhưng chưa có việc làm và các đối tượng chính sách xã hội khác.

 

Về chính sách hỗ trợ, nếu như năm 2016 huyện hỗ trợ cho người đi XKLĐ thông qua việc cấp bù lãi suất cho vay khoảng 7 triệu đồng/người, thì năm 2017 huyện có chủ trương hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia XKLĐ 5 triệu đồng. Ngoài ra với mỗi người đi lao động nước ngoài do các công ty của huyện giới thiệu thì Ban chỉ đạo của xã, thị trấn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lao động và cộng tác viên cũng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ lao động. Đây là chính sách vừa nhằm khuyến khích người lao động tham gia XKLĐ vừa khuyến khích ban chỉ đạo và cộng tác viên ở cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động để tăng số lượng người đi làm việc ở nước ngoài.

 

Huyện cũng giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, tùy theo số người trong độ tuổi lao động ở các địa phương để giao chỉ tiêu vận động và chỉ tiêu đi XKLĐ. Trung bình mỗi xã được giao chỉ tiêu đi XKLĐ 5-7 người, xã thấp nhất 3-4 người. Trên cơ sở đó các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể để triển khai thực hiện. Một giải pháp quan trọng mà huyện Hải Lăng đang thực hiện đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ đến từng thôn, xóm và từng người dân. Tổ chức các hội nghị, buổi nói chuyện, mời những người đã đi lao động nước ngoài có hiệu quả về tuyên truyền. Hàng tháng tổ chức một ngày XKLĐ để trả lời những câu hỏi mà người dân quan tâm.

 

Nhằm tránh những rủi ro cho người tham gia XKLĐ, huyện cử cán bộ đi tìm hiểu và lựa chọn các đơn vị tuyển dụng lao động có uy tín, đơn hàng chất lượng, mức phí xuất khẩu vừa phải để giới thiệu cho các xã, thị trấn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tuyển dụng về địa phương tư vấn tuyên truyền, tuyển dụng. Phối hợp với các đơn vị tổ chức nghiệp vụ tập huấn tuyên truyền, tư vấn để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn từ nguồn vốn được các công ty ủy thác qua ngân hàng. Mặt khác cũng tuyên truyền, tư vấn cho người dân biết để từ chối không ký hợp đồng với những công ty không có uy tín, thiếu trách nhiệm hoặc những đơn hàng mà điều kiện việc làm, sinh hoạt, ăn ở không đảm bảo cho người lao động.

 

Thực hiện ký cam kết trách nhiệm ba bên giữa công ty tuyển dụng, người lao động và chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm của mỗi bên và đảm bảo quyền lợi thiết thực cho người lao động. Ban chỉ đạo của huyện cũng luôn cập nhật, xử lý và hoàn thiện dữ liệu về người XKLĐ trên địa bàn để theo dõi, quản lý. Ngoài ra còn thực hiện việc công khai các gia đình trong xã có con em đi XKLĐ để mọi người biết, tiếp cận và tìm hiểu. Hàng tháng tổng hợp số liệu XKLĐ, tổng hợp danh sách người lao động đang học tiếng, học nghề tại các công ty gửi về Ban chỉ đạo huyện để nắm tình hình và có hướng xử lý những vướng mắc nảy sinh. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác xuất khẩu lao động của địa phương.

 

Giáo dục định hướng, phân luồng cho học sinh THCS, THPT đi học nghề và tham gia XKLĐ. Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả cao, bên cạnh những nỗ lực của huyện, rất cần có sự giúp đỡ các ngành, đơn vị liên quan. Đó là việc tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong vay vốn, đơn giản thủ tục vay, tăng số lượng tiền vay. Hiện nay đi lao động các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chi phí khá cao 150-200 triệu đồng nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho vay tối đa 50 triệu đồng, người nghèo không có thêm tiền để chi phí tham gia xuất khẩu ở các thị trường trên. Một khó khăn khác đó là hậu quả việc đưa lao động sang thị trường Malaysia những năm trước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người lao động, cùng với một số vụ việc tiêu cực trong XKLĐ đã ra gây hoang mang cho gia đình và bản thân người lao động…

 

Quyết tâm khắc phục những khó khăn nêu trên, huyện Hải Lăng xác định công tác XKLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực cao, đổi mới nhiều hơn nữa, tạo điều kiện và động lực tốt hơn cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài, đạt được mục tiêu, kế hoạch mà huyện đề ra.

 

Hoàng Nam Bằng

 

1839 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 597
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 597
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78056022