Cụ thể, với 419 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm ngăn chặn kịch bản Tổng thống D.Trump sẽ đơn phương gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Ngoài ra, dự luật còn kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm gia tăng sức ép lên Nga trước cáo buộc cho rằng nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

 

Tổng thống D.Trump đã tỏ quan điểm phản đối bản dự luật này vì cho rằng, ông không hề nhận được sự trợ giúp nào từ phía Moscow để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Nga-Mỹ trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến Syria.

Liên quan với vấn đề Triều Tiên, bản dự luật đã đề cập tới một loạt các biện pháp trừng phạt được đệ trình lên Hạ viện vào tháng 5/2017 nhằm chặn đứng các nguồn hỗ trợ tài chính cho các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đáng chú ý là bản dự luật còn cấm nhập khẩu vào Mỹ các mặt hàng được sản xuất “toàn bộ hay từng phần bởi lao động cưỡng bức của triều Tiên”, đồng thời trừng phạt các cá nhân nước ngoài có hành vi tuyển dụng lao động Triều Tiên và buộc họ làm việc trong những điều kiện vô nhân đạo. Ngoài ra, dự luật cũng đề cập tới việc áp đặt trừng phạt các hành vi cung cấp dầu thô và các sản phẩm liên quan cho Triều Tiên, đồng thời yêu cầu chính quyền Mỹ xác định rõ về việc có liệt Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố hay không.

Về vấn đề Iran, bản dự luật do Hạ viện Mỹ thông qua ngày 25/7 kêu gọi áp đặt trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân của Iran có liên quan tới các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi.

Theo quy định, dự luật trên cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình lên Tổng thống ký ban hành hay phủ quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp dự luật trừng phạt trên được Tổng thống D.Trump ký ban hành thành luật, thì chỉ có thể gỡ bỏ các biện pháp này bằng việc thông qua một văn kiện lập pháp mới bởi chính quyền Tổng thống Mỹ không được ủy quyền gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt một cách độc lập.

Hiện giới chức Nga và một vài nước châu Âu đã cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moscow và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu Tổng thống D.Trump ký ban hành dự luật này. Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/7, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow đang chờ đợi lập trường cuối cùng và rõ ràng của Tổng thống D.Trump về các lệnh gia tăng trừng phạt, bởi vấn đề này không chỉ làm tổn hại đến các lợi ích của Nga và Mỹ mà còn tác động đến các nước thứ 3. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng cảnh báo rằng, nước này đang giám sát chặt chẽ các động thái của Mỹ, đặc biệt liên quan tới việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và Iran, để có thể đưa ra những phản ứng tương xứng một cách nhanh chóng.

Trong một phản ứng đầu tiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã tuyên bố ngắn gọn rằng: “Trong khi Tổng thống ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên, Iran và Nga thì Nhà Trắng vẫn đang cân nhắc tới dự luật của Hạ viện và đang chờ đợi văn bản pháp luật cuối cùng được trình lên bàn làm việc của Tổng thống”. Trong khi đó, một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật siết chặt trừng phạt vì cho rằng điều này sẽ “trói buộc” Tổng thống D.Trump trong việc giải quyết các mối quan hệ với Moscow./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)