Những người bỏ phiếu bác đề xuất cho rằng nếu ở lại EEA, Anh sẽ phải tuân theo các quy định của EU mà không được quyền bỏ phiếu hoặc có ý kiến, điều này đi ngược lại với tinh thần của kết quả trưng cầu dân ý 2016 ở Anh.
Trong khi đó, những người ủng hộ Anh ở lại EEA cho rằng điều này sẽ giúp Anh giữ được quan hệ gần gũi nhất có thể với EU mà vẫn không phải là thành viên của khối này, vì vậy Anh sẽ có đầy đủ các quyền tham gia vào thị trường đơn lẻ này.
Hồi tháng Năm vừa qua, Thượng viện Anh đã thông qua điều khoản nhằm giữ Anh ở lại EEA,bất chấp sự phản đối từ phía chính phủ, cũng như Công đảng. Các quan chức Chính phủ Anh cảnh báo rằng việc ở lại EEA sẽ không mang lại cho nước Anh quyền kiểm soát biên giới hay luật pháp cho nước này.
EEA là thị trường bao gồm tất cả các thành viên EU tham gia, cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn lưu thông tự do trong Thị trường chung châu Âu và mở cửa đối với các thành viên của EU cũng như Tổ chức Thương mại tự do châu Âu. Ngoài ra, một số nước không phải là thành viên EU cũng tham gia như Na Uy, Iceland, và Liechtenstein.
Để được quyền tiếp cận vào thị trường đơn lẻ, các nước không phải là thành viên EU có nghĩa vụ phải đóng góp tài chính và phải chấp nhận hầu hết các luật của EU. Tự do lưu chuyển dòng người trong khu vực cũng được áp dụng như với các nước thành viên EU.
Trước đó cùng ngày, Hạ viện cũng bỏ phiếu bác lại đề nghị sửa đổi của Thượng viện Anh nhằm buộc chính phủ báo cáo về những tiến bộ đạt được trong đàm phán để Anh là thành viên của Liên minh thuế quan EU, với tỷ lệ 325/298.
Thay vào đó, các nghị sỹ ủng hộ sửa đổi mang tính thỏa hiệp đó là buộc chính phủ phải báo cáo về những nỗ lực để đàm phán về một thỏa thuận hải quan với EU./.