Công an Hà Nội đã xác định việc cấp căn cước và tài khoản định danh điện tử cho công dân dưới 14 tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công dân. Do đó, công an các địa phương ở Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ với phương châm "Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an."
Lập tổ lưu động, không ngày nghỉ để cấp căn cước
Từ ngày 1/7, Công an huyện Phú Xuyên đã thành lập các tổ lưu động cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi vào các buổi tối trong tuần và ngày thứ Bảy, Chủ nhật tại trụ sở công an xã, thị trấn.
Việc này giúp phụ huynh và học sinh tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và tài khoản định danh điện tử, góp phần xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử. Các em học sinh được tạo điều kiện để có đủ giấy tờ cần thiết cho năm học mới sắp tới.
Tại trụ sở Công an xã Minh Tân (Phú Xuyên) vào buổi tối, khá đông người dân đưa con em đến làm thẻ căn cước. Tại đây, đoàn viên, công an xã tận tình hướng dẫn thực hiện các thủ tục để cấp căn cước.
Em Nguyễn Anh Đức, xã Minh Tân, cho biết em được các cô chú công an, anh chị đoàn viên hướng dẫn tận tình nên việc lăn tay, lấy mống mắt và các thủ tục khác diễn ra rất nhanh chóng. Em rất vui và mong chờ được sở hữu tấm thẻ căn cước đầu tiên trong đời.
Tương tự, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), công an quận tăng cường cấp căn cước vào các ngày cuối tuần. Ban Chỉ huy Công an quận chỉ đạo Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ, đặc biệt tiến hành làm việc trong các ngày thứ Bảy và Chủ nhật cho tới khi hết đợt cao điểm.
Để đảm bảo quyền lợi tối đa của mọi công dân khi Luật Căn cước có hiệu lực, tất cả cán bộ được giao nhiệm vụ đều tiếp đón, hướng dẫn các thủ tục khi nhân dân đến liên hệ làm việc với thái độ nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì nhân dân phục vụ, mang lại sự hài lòng, niềm tin và sự ủng hộ của người dân...
Trong thời tiết nắng nóng mùa Hè, công an quận đã sắp xếp, bố trí thêm quạt và nước uống để phục vụ nhân dân ngồi chờ xếp hàng đến lượt; phân công cán bộ hướng dẫn người dân khai báo, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Thanh Xuân, cho biết tính đến 17 giờ, ngày 6/7, Công an quận đã đón tiếp trên 3.000 lượt công dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến quy trình cấp căn cước, xin xác nhận… Trong đó, Công an quận đã làm thủ tục cấp Căn cước cho hơn 40 công dân dưới 6 tuổi, 326 công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi, gần 2.000 công dân từ 14 tuổi trở lên.
Không chỉ riêng Công an quận Thanh Xuân, nhiều đơn vị khác của Công an thành phố Hà Nội cũng tranh thủ thời gian học sinh nghỉ Hè để triển khai cấp căn cước lưu động.
Hết mình vì nhân dân phục vụ
Công an phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) đã tăng cường lực lượng, cán bộ chiến sỹ chia ca làm việc vào tất cả các ngày trong tuần và buổi tối đến 22 giờ để hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục làm căn cước tiện lợi, nhanh chóng.
Trung tá Nguyễn Duy Định, Trưởng Công an phường Phương Mai, thông tin Công an phường đã yêu cầu Cảnh sát khu vực tiến hành rà soát và thông báo đến công dân về việc cấp căn cước cho các bé trong độ tuổi quy định. Nội dung thông báo rõ thời gian, địa điểm và các giấy tờ cần thiết để người dân chủ động chuẩn bị chu đáo, không mất nhiều thời gian đi lại, tạo sự thuận tiện cho công dân.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau," thời gian qua, Công an huyện Ba Vì tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức cấp căn cước với công dân đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Công an huyện chỉ đạo Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Công an các xã, thu thập thông tin, cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với những trường hợp đặc biệt bị tâm thần, dị tật bẩm sinh...
Các nhân khẩu đặc biệt được Công an huyện Ba Vì mời đến để làm căn cước. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Quá trình tiếp xúc, khai thác, thu thập thông tin cư dân đối với các trường hợp đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại các trung tâm bảo trợ xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Một số trường hợp rất khó hoặc không thể khai thác thông tin công dân, tuy có hồ sơ lưu trữ bệnh nhân nhưng không có thông tin cần thiết để tổ chức xác minh, xác định thông tin công dân hoặc thông tin không đáp ứng yêu cầu. Tuy vậy, với quyết tâm không để sót lọt công dân thuộc diện đặc biệt, Công an huyện Ba Vì đã nỗ lực thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước tới các công dân được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa của các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Ba Vì đã thể hiện vai trò của lực lượng công an trong việc đưa Luật Căn cước đi vào cuộc sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ" và sự gần gũi, gắn bó giữa với nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố, từ ngày 1/7, các tổ công tác tiếp dân của Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an 30 quận, huyện, thị xã và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phục vụ nhân dân nhiệt tình, chu đáo hướng dẫn…
Kết quả đã được cụ thể hóa bằng số lượng hồ sơ thu nhận. Tính đến giữa tháng 7, trung bình mỗi ngày, toàn lực lượng thu nhận 8.000 hồ sơ cấp căn cước công dân. Điều này đã phản ánh sự vào cuộc mạnh mẽ, sáng tạo, tận tâm của lực lượng Công an Thủ đô trong triển khai Luật Căn cước năm 2023, đóng góp quan trọng vào nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử vững mạnh./.
Rất đông người dân đặc biệt là trẻ em đủ điều kiện làm thẻ Căn cước mới đã có mặt tại trụ sở Phòng Cảnh Sát Quản lý Hành Chính về Trật tự xã hội, Công an Hà Nội để làm thủ tục.