Động thái này của Go-Jek được đưa ra trong bối cảnh đối thủ chính của họ là Grab (đặt trụ sở tại Singapore) cũng đang chuẩn bị nguồn lực để “chuyển mình” trở thành một tập đoàn công nghệ tiêu dùng. Đồng thời, Grab cũng muốn phát triển mạnh mẽ hơn tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Cả Go-Jek và Grab đều đang huy động hàng tỷ USD tiền vốn và đầu tư hàng trăm triệu USD vào cuộc đua giành quyền thống trị lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á. Ngày càng có nhiều người trong tổng số hơn 640 triệu người tiêu dùng trong khu vực sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để mua sắm, di chuyển và thanh toán.
[Tổng thống Indonesia dự lễ ra mắt ứng dụng đa dịch vụ Go-Viet]
Trước đó hồi tháng Năm, Go-Jek cho biết họ sẽ đầu tư 500 triệu USD để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines, sau khi một công ty dịch vụ gọi xe khác là Uber đã ký kết thỏa thuận bán lại mảng hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab.
Ra mắt vào năm 2011 tại Jakarta, Go-Jek đã phát triển từ một dịch vụ gọi xe trở thành ứng dụng một cửa giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau, từ thanh toán trực tuyến đến đặt hàng mọi thứ từ thực phẩm, hàng tạp hóa và dịch vụ. Hiện Go-Jek là một trong những “đại gia” ở Indonesia, nơi công ty này trung bình xử lý hơn 100 triệu giao dịch cho 20-25 triệu người dùng mỗi tháng.
Hồi đầu năm nay, Go-Jek đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD tiền vốn từ Google, Temasek Holdings (công ty đầu tư quốc gia của Singapore), cùng một số nhà đầu tư khác. Khi đó, Go-Jek được định giá vào khoảng 5 tỷ USD./.