Giới chức Iran thông báo nước này đã sản xuất được 55 kg urani 

Truyền hình nhà nước Iran ngày 7/4 dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20%
Giới chức Iran thông báo nước này đã sản xuất được 55 kg urani

Truyền hình nhà nước Iran ngày 7/4 dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Iran và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) mà cả hai đều cho là "mang tính xây dựng" nhằm tìm ra cách thức để trở lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, được Iran và các cường quốc ký vào năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Năm 2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật cho phép chính phủ đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề hạt nhân, như một phần trong nỗ lực nhằm đáp trả việc cựu Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Nhà chức trách Iran cũng tuyên bố việc tăng cường làm giàu urani cùng với những biện pháp khác nhằm giảm một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là phản ứng đáp trả động thái của Mỹ rút khỏi thỏa thuận và những nước châu Âu tham gia thỏa thuận (gồm Anh, Pháp, Đức và Nga) đã không bảo vệ được những lợi ích của Tehran trước các lệnh trừng phạt của Washington.

[Giới phân tích: Mỹ và Iran bước đầu hướng tới “giải cứu” JCPOA]

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tham gia trở lại JCPOA với điều kiện tiên quyết là Tehran tôn trọng các cam kết đã đưa ra.

Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ khoảng 1.600 lệnh trừng phạt từng được Washington tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định mà ông cho là không hiệu quả, đồng thời gây sức ép buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận thông qua áp lực kinh tế.

Trong khi đó, Iran tuyên bố hoàn toàn có thể nhanh chóng quay trở lại việc tuân thủ thỏa thuận, song khẳng định muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước.

Trong bối cảnh trên, thông qua các kênh trung gian, ngày 6/4, Mỹ và Iran đã nhất trí thành lập hai nhóm chuyên viên nhằm đưa cả hai trở lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Trong cuộc họp có sự tham dự của các thành viên JCPOA hiện tại ở Vienna (gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), các bên đã nhất trí thành lập một nhóm chuyên viên tập trung vào lộ trình đưa Mỹ trở lại thỏa thuận thông qua việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đã áp đặt hoặc được tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018.

Nhóm chuyên viên còn lại sẽ tập trung vào việc làm thế nào để Iran tuân thủ trở lại các điều khoản được nêu trong thỏa thuận về giới hạn việc làm giàu hạt nhân và dự trữ urani đã được làm giàu.

Giới phân tích khẳng định cuộc gặp tại Vienna chưa thể dẫn đến việc nhanh chóng gia hạn JCPOA ngay trong tuần này và cũng có thể không bao giờ dẫn đến thỏa thuận "JCPOA +" rộng hơn như Tổng thống Biden mong muốn.

Những gì diễn ra cũng có thể chưa đủ giải cứu nền kinh tế Iran trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, song chắc chắc cuộc gặp này đã mở ra con đường thực sự duy nhất để hai bên tiến về phía trước. Liên hợp quốc cũng coi đây là "bước đi đúng hướng", giúp làm hồi sinh JCPOA./.

Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

 

349 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1375
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1375
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87152415