Gio Linh tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương (02/4/1972 – 02/4/2022) 

Hòa chung trong không khí hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5/1972 – 01/5/2022), sáng ngày 01/4/2022, huyện Gio Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện (02/4/1972 – 02/4/2022). Đến dự buổi lễ, có đồng chí đồng chí Lê Quang Tùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, đại diện các các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đồng chí lãnh đạo huyện, nguyên lãnh đạo huyện; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của Gio Linh trong những năm tháng anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương; những thành tựu đạt được trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay.

Đồng chí Lê Quang Tùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, con sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 - trở thành “giới tuyến quân sự tạm thời” phân chia đôi miền đất nước. Với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã nhảy vào xâm lược miền Nam. Từ đây, Gio Linh trở thành đầu cầu giới tuyến, vị trí tiền đồn, Mỹ - Ngụy đã biến Gio Linh thành nơi thử nghiệm mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Chúng đã huy động các lực lượng quân sự hùng mạnh, xây dựng tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra, được xem là “con mắt thần” của Mỹ - Ngụy. Bằng việc tổ chức bình định, càn quét, đàn áp, khủng bố, thiêu huỷ hầu như toàn bộ làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, dồn dân vào các trại tập trung, chúng đã biến nơi đây thành “vành đai trắng”. Mặc dù, sống trong sự kìm kẹp, đàn áp khốc liệt của kẻ địch, trong mưa bom bão đạn, quân và dân Gio Linh vẫn kiên trung vượt lên mọi hy sinh mất mát, kiên quyết không lùi bước.

Mùa xuân năm 1972, trong khí thế sục sôi, tiến công nổi dậy của toàn tỉnh, bằng tinh thần dũng cảm, mưu trí, lòng căm thù sâu sắc, quân và dân Gio Linh đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các lực lượng vũ trang, đồng loạt mở các cuộc tấn công dồn dập trên tất cả các cứ điểm của địch, đập nát toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ - Ngụy trên tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra và chi khu quân sự Quán Ngang, phá bung các trại tập trung, giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 02/4/1972. Chiến thắng Gio Linh đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, tạo ra lợi thế và cục diện mới trên chiến trường, để tiếp tục tấn công nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 01/5/1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Ngày 02/4/1972 đã ghi vào lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Gio Linh một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống anh dũng, bất khuất, kiên cường trên quê hương đất lửa Gio Linh. Những địa danh như Dốc Miếu, Quán Ngang, Cồn Tiên, Gio An, Cửa Việt, Đồi 31,… đã đi vào lịch sử dân tộc.

Ghi nhận những chiến công xuất sắc, sự hi sinh anh dũng và những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Gio Linh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Thành đồng hạng Hai, 115 Huân chương độc lập. Toàn huyện có 13 địa phương, đơn vị và 14 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 475 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng và gần 10.000 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại.

Sau ngày giải phóng, tháng 5/1973, Huyện ủy Gio Linh họp để phân tích đặc điểm tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và ra Nghị quyết: “Kiên quyết giữ vững hòa bình, ra sức xây dựng thực lực cách mạng, không ngừng nâng cao cảnh giác, sẳn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phải ra sức phục hồi và phát triển sản xuất, tập trung lực lượng cho khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích lúa, hoa màu, đẩy mạnh sản xuất, tiến tới tự túc được lương thực cho Nhân dân trong huyện…”. Với đặc thù của quê hương tuyến lửa “vành đai trắng”, qua bao năm chiến tranh khốc liệt “cỏ lút đồng hoang”, ngày 02/9/1973, UBND tỉnh Quảng Trị đã chọn Gio Linh để làm nơi phát động chiến dịch khai hoang, phục hóa của tỉnh tại cánh đồng bắc Dốc Miếu, do đồng chí Lê San – Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh trực tiếp chỉ đạo và cắt nhát cỏ đầu tiên.

Từ những khó khăn, gian khổ ban đầu với khẩu hiệu “Biến đồng hoang thành ruộng lúa, biến đất đỏ thành nương tiêu, biến biển khơi thành cá muối”, 50 năm sau ngày giải phóng, Gio Linh đã có bước tiến vững chắc trên con đường phát triễn. Ai đã từng đến Gio Linh của một thời “bời bời cỏ lút đồng hoang” thì nay lại ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê đang chuyển mình đi lên. Trên những địa danh của một thời chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, nay đã bao trùm bởi màu xanh của cao su, hồ tiêu và những vườn cây trĩu ngọt. Khu tập trung Cửa Việt năm xưa giờ đã là khu đô thị - du lịch sầm uất. Chi khu quân sự Quán Ngang giờ là khu công nghiệp năng động và chuẩn bị khởi động Cảng hàng không Quảng Trị. Cầu Cửa Vệt, Cửa Tùng duyên dáng bắc qua sông Bến Hải, Hiếu Giang như minh chứng sự trổi dậy, vươn xa của quê hương trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Nền kinh tế của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hàng năm đạt 12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng; sản lượng lúa bình quân 49.000 tấn/năm. Thế mạnh khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản phát triển mạnh, sản lượng đạt 17.000 tấn/năm. Kinh tế lâm nghiệp và vùng gò đồi miền núi tiếp tục phát triển. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Du lịch - dịch vụ đã tìm được hướng đi mới với những tiềm năng đầy triển vọng. Kết cấu hạ tầng được quy hoạch đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Để ghi nhận những kết quả to lớn đó, Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện Gio Linh vinh dự được Nhà nước trao tặng các Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Gio Linh, Đảng bộ, quân và dân Gio Linh vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Gio Linh vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Quang Tùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - đánh giá cao những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, với vị trí chiến lược quan trọng, giải phóng huyện Gio Linh góp phần tạo tiền đề để tiếp tục tấn công nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 01/5/1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đồng chí Lê Quang Tùng mong muốn trong thời gian tới, huyện Gio Linh tiếp tục phát huy truyền thống, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Dẫu năm tháng đã đi qua, nhưng hào khí rạo rực chiến thắng của mùa xuân lịch sử 1972 vẫn mãi mãi khắc ghi trong ký ức và tâm khảm của Đảng bộ, quân và dân Gio Linh với niềm tự hào khôn xiết, những dấu ấn khó quên. Kỷ niệm 50 năm ngày quê hương giải phóng, là dịp để ôn lại truyền thống; khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được nửa thế kỷ qua; khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên của cán bộ, Nhân dân Gio Linh. Đồng thời, là dịp để tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống “anh dũng kiên cường”, chủ động, sáng tạo, tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./. Quốc Dũng

2286 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 849
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 849
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121284