Giao tranh tại Sudan: Thêm nhiều công dân nước ngoài được sơ tán 

Có tổng cộng hơn 16.000 công dân nước ngoài được vào Ai Cập tính đến ngày 27/4, trong đó có hơn 14.000 người Sudan và 2.000 công dân từ 50 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế.
Giao tranh tại Sudan: Thêm nhiều công dân nước ngoài được sơ tán

Tính đến ngày 27/4, Ai Cập và Saudi Arabia đã sơ tán được hơn 18.600 người nước ngoài khỏi Sudan, trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn đã được gia hạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu-Zeid cho biết quốc gia Bắc Phi này đã tạo điều kiện nhập cảnh thuận lợi cho những người sơ tán khỏi Sudan trong những ngày qua.

Có tổng cộng hơn 16.000 công dân nước ngoài được vào Ai Cập tính đến ngày 27/4, trong đó có hơn 14.000 người Sudan và 2.000 công dân từ 50 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế.

Ngày 27/4, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nêu rõ Cairo cam kết hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn bạo lực và xung đột ở Sudan leo thang, đồng thời bày tỏ hy vọng tình hình an ninh tại Sudan sẽ sớm ổn định trở lại.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại châu Âu cho biết Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thông báo các lực lượng vũ trang nước này đã kết thúc các hoạt động giải cứu tại Sudan.

Tổng cộng, 160 người, bao gồm 60 công dân Thụy Điển, đã được sơ tán khỏi quốc gia châu Phi đang có xung đột bằng 7 chuyến bay của các lực lượng vũ trang Thụy Điển.

[Cuộc xung đột ở Sudan khiến các nước láng giềng náo loạn]

Ngoài ra, Thủ tướng Kristersson cũng xác nhận khoảng 40 công dân khác đã rời Sudan trên các chuyến bay do các quốc gia khác khai thác, trong khi một số người cũng đã tự rời khỏi Sudan.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa cho biết ngày 27/4, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo nước này đã thực hiện 2 chuyến bay đầu tiên sơ tán các công dân của mình và nước ngoài khỏi Sudan.

Chuyến bay đầu tiên có 45 người và chuyến bay thứ 2 có 73 người được đưa ra khỏi Sudan. Theo Bộ các vấn đề toàn cầu Canada, có khoảng 1.800 người Canada đang bị mắc kẹt ở Sudan và khoảng 700 người đang yêu cầu sự trợ giúp của chính phủ liên bang để rời khỏi quốc gia này.

Hiện có khoảng 200 người Canada đã được sơ tán khỏi Sudan trên các chuyến bay của những quốc gia khác như Đức, Anh và Mỹ.

Bộ trưởng Anand cho biết thêm rằng nhiều chuyến bay sẽ được lên kế hoạch trong những ngày tới, nhưng cảnh báo tình hình đang diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho  rằng tình hình tại Sudan có thể xấu hơn vào bất kỳ thời điểm nào và công dân Mỹ cần rời khỏi Sudan trong vòng 24-48 giờ tới.

Mỹ cũng là một trong những nước nhanh chóng triển khai công tác sơ tán công dân khỏi Sudan ngay khi an ninh trở nên bất ổn. Hiện chưa rõ số lượng công dân Mỹ đã được sơ tán khỏi nước này.

Trong diễn biến mới nhất tại Sudan, các máy bay chiến đấu của Sudan đã tấn công lực lượng bán quân sự ở thủ đô Khartoum ngày 27/4, trong khi giao tranh gây chết người và cướp bóc bùng phát ở Darfur, khi quân đội và RSF đã tuyên bố gia hạn thêm 72 giờ.

Trong khi đó, ngày 27/4, quyền Điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên hợp quốc tại Sudan, ông Abdou Dieng cho biết giao tranh dữ dội giữa Các Lực lượng Vũ trang Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), lực lượng bán quân sự chính ở Sudan, vẫn tiếp diễn, khiến cho tình hình nhân đạo ở nước này ngày càng nghiêm trọng, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đạt được.

Phát biểu từ thành phố Port Sudan bên bờ Biển Đỏ của Sudan, ông Dieng nói rằng các phe tham chiến tại Sudan đã không tôn trọng một số điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông, hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Sudan hiện "cực kỳ khó khăn" và người dân "cực kỳ dễ bị tổn thương."

Quan chức Liên hợp quốc nói thêm hàng triệu dân thường Sudan đang rất cần lương thực, chỗ ở, nước sạch và viện trợ y tế. Xung đột vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người khác bị thương, bao gồm cả những người làm công tác nhân đạo.

Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và 4.200 người bị thương kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra ngày 15/4. Bên cạnh đó, tình trạng cướp bóc diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, đặc biệt là tại các nhà kho chứa hàng viện trợ nhân đạo và lương thực.

Ông Dieng cho hay khoảng 60% cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Sudan đã đóng cửa hoặc bị phá hủy, lưu ý rằng các cuộc giao tranh đã làm phức tạp thêm tình hình cứu trợ nhân đạo ở nước này./.

Văn Tùng-Văn Trường-Hà Linh-Ngọc Long (TTXVN/Vietnam)

 

64 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 686
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 686
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77182548