Tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới
Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi (Kenya) tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Ngày này cũng đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường con người (5/6/1972) và là ngày ra đời của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.
Mỗi năm, Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.
Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972 và đã phát triển theo thời gian để trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính mà qua đó Liên hợp quốc tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới và khuyến khích các hành động chính trị. Đây là một sự kiện thường niên với mục đích khơi gợi các hoạt động môi trường tích cực nhất có thể trên phạm vi toàn thế giới, thu hút sự chú ý của công chúng đến các vấn đề môi trường.
Ngày Môi trường Thế giới cũng là một cơ hội cho mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội tập hợp lại với nhau để cùng xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn cho bản thân và các thế hệ tương lai.
Trong ngày kỷ niệm này, rất nhiều hoạt động được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú. Đây là sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân vào các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường...
Thêm vào đó, Ngày Môi trường Thế giới cũng hướng tới các hoạt động phổ biến kiến thức hữu ích như tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn,... về vấn đề môi trường. Thông qua các hoạt động này, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả đã được trao đổi và ứng dụng vào thực tế trong công tác bảo vệ môi trường.
Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.
Với ý nghĩa thiết thực và nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, Ngày Môi trường Thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng có thể thấy rõ là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng; danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí, xây dựng nền kinh tế xanh
Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2019) được lựa chọn là: “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng suy nghĩ về cách chúng ta có thể thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm ô nhiễm không khí và từ đó chống lại sự đóng góp của ô nhiễm không khí đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe chúng ta.
Trong thông điệp đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ: Ngày Môi trường Thế giới là một cơ hội để làm nổi bật tất cả chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên và sức khỏe của hành tinh chúng ta như thế nào. Ngày Môi trường Thế giới năm nay tập trung vào ô nhiễm không khí. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, cư dân của các siêu đô thị cũng như của những ngôi làng nhỏ đều đang phải hít thở bầu không khí không trong sạch. Ước tính 9 trong số 10 người tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, không tuân thủ theo các nguyên tắc về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới, làm giảm tuổi thọ và sự sống, đồng thời gây hại cho nền kinh tế.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, để cải thiện chất lượng không khí, chúng ta cần biết chúng ta đang đối mặt với điều gì. Những cái chết và bệnh tật liên quan tới ô nhiễm không khí là do các vi hạt tấn công hệ thống miễn dịch của chúng ta mỗi khi chúng ta thở. Những hạt này đến từ nhiều nguồn: nhiên liệu hóa thạch được sử dụng cho sản xuất và vận chuyển năng lượng, công nghiệp hóa chất và khai thác mỏ, đốt chất thải, đốt rừng và đồng ruộng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch để nấu ăn và sưởi ấm không phù hợp, đó là những vấn đề lớn ở các nước đang phát triển.
Không khí ô nhiễm giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm, gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn và làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em. Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho xã hội hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Nhiều chất gây ô nhiễm không khí cũng góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Carbon đen là một ví dụ. Được tạo ra bởi động cơ diesel, đốt rác thải và lò gây ô nhiễm, carbon đen cực kỳ có hại khi ăn vào. Giảm phát thải loại chất gây ô nhiễm này, vì vậy, không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn có thể giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu tới 0,5 độ C trong vài thập kỷ tới.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động mạnh mẽ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chú trọng đầu tư vào năng lượng tái tạo thay vì đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng sạch và phương thức vận chuyển sạch hơn... Vào Ngày Môi trường Thế giới, Tổng thư ký António Guterres nhấn mạnh mỗi người chúng ta hãy hành động để có thể hít thở tốt hơn. Cho dù đó là vận động hành lang các chính trị gia và doanh nghiệp hoặc thay đổi thói quen của chính chúng ta, chúng ta đều có thể giảm thiểu ô nhiễm và chống lại biến đổi khí hậu./.
Khánh Linh