Giảm gánh nặng về chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp 

(ĐCSVN) – “Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018” lần đầu tiên được công bố cho thấy bức tranh thực tế về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua .

Kết quả rà soát TTHC thời gian qua cho thấy, đơn giản hóa TTHC trong một số lĩnh vực bức xúc, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu v.v... đã có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp, bước đầu tạo lập lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp (DN) vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: TH.

Tuy nhiên, tình trạng Bộ, ngành, địa phương chậm công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC còn không ít. Vẫn còn đây đó các cán bộ cơ quan hành chính nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân; “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền nhưng vẫn phải qua nhiều khóa với những thủ tục rườm rà, chồng chéo, mất nhiều thời gian với các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính còn rất cao gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp…

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ (CPTT) thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018) mới được Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những TTHC trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm: (1) khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; (2) giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; (3) đầu tư; (4) đất đai; (5) xây dựng; (6) môi trường; (7) thuế; (8) hải quan.

Theo kết quả khảo sát cho thấy thủ tục dẫn đầu với mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm Thuế. Cụ thể, CPTT trung bình của TTHC Thuế thấp nhất (khoảng 73,7 nghìn đồng) và chỉ tương đương với 0,58% CPTT trung bình của 8 nhóm TTHC được khảo sát (khoảng 12,7 triệu đồng). Thời gian thực hiện TTHC thuế trung bình là 2,9 giờ chỉ bằng 1,4% thời gian thực hiện TTHC Môi trường (218,4 giờ).

Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc hiện đại hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, quá trình thực hiện và giải quyết TTHC thuế đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho ngành Thuế, nhờ đó cắt giảm thời gian cho DN thực hiện TTHC, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho cả Nhà nước và DN. 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm thủ tục hành chính (TTHC) Xây dựng là nhóm TTHC có chi phí tuân thủ cao nhất trong nhóm các TTHC. Kết quả khảo sát 309 doanh nghiệp cho thấy CPTT trung bình của TTHC Xây dựng cao nhất (khoảng 64,1 triệu đồng), gấp 869 lần so với CPTT trung bình của TTHC trong lĩnh vực thuế và gấp hơn 5 lần so với CPTT trung bình của 8 nhóm TTHC được khảo sát.

Thời gian thực hiện vẫn thuộc top 5 các TTHC tốn nhiều thời gian thực hiện nhất (108,9 giờ), gấp xấp xỉ 37 lần nhóm TTHC Thuế có thời gian thực hiện nhanh nhất.

Đáng chú ý, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức CPTT cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Nếu địa phương có chi phí trực tiếp nhiều nhất là 255 triệu đồng thì địa phương có chi phí trực tiếp ít nhất chỉ ở mức rất thấp 440 nghìn đồng.

Báo cáo đã cho thấy sự khác biệt về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giữa các vùng miền, địa phương và tỉnh, thành chủ yếu là do cách thức tổ chức thực hiện và hành vi của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Câu hỏi đặt ra tại sao cùng một TTHC mà lại có sự chênh lệch chi phí giữa các địa phương?.

Điều này có thể lý giải bằng việc, địa phương, đơn vị nào áp dụng thống nhất các quy định pháp luật, cải tiến trong quy trình, cách thức thực hiện TTHC sẽ có tác động ngay tới việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính tại các địa phương, đơn vị.

Có thể dẫn chứng cùng một quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ của một doanh nghiệp ở Bắc Ninh khi thực hiện những thủ tục này lại có thể chỉ bằng 1/11 chi phí tuân thủ ở một tỉnh khác.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC, trong kết quả cải cách TTHC, quan trọng nhất là công tác cán bộ, là sự quyết tâm của người đứng đầu. Đồng thời, 3 nhóm đứng đầu về chi phí thấp đều là những nhóm đi đầu trong cải cách, ứng dụng CNTT, công khai minh bạch quá trình thực hiện thủ tục. 

Bộ trưởng nhấn mạnh cải cách phải quyết liệt, quyết tâm bỏ cái cũ để thay bằng cái tiến bộ, đồng bộ từ trên xuống vì thực sự không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ. Nếu làm tốt, công khai tốt, các chi phí sẽ giảm, cả chi phí về thời gian và những khoản như bao thư lót tay. Như vậy, người đi làm TTHC tại dịch vụ công trực tuyến “có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình”.

Ở đây cho thấy, yếu tố con người, cụ thể là năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ nhà nước là rất quan trọng trong việc giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí thời gian.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, nếu chỉ bằng ý chí thì cũng không cải cách được mà phải đẩy mạnh việc áp dụng CNTT, cần đánh giá, nhìn nhận từ 2 chiều, cả phía các cơ quan công quyền và cả phía người dân, doanh nghiệp. “Nếu làm tốt ở các bộ, ngành Trung ương mà người dân, doanh nghiệp không hiểu, chi phí không chính thức vẫn tồn tại thì cũng khó cải cách được”, ông Thân nói.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để giải quyết gốc rễ vấn đề cải cách TTHC, việc cải cách thể chế ở cấp Trung ương là hết sức cần thiết. Đồng thời, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách và quy định pháp luật vào cuộc sống. 

Với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là quyết xây dựng Chính phủ điện tử, kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó giảm gánh nặng về chi phí TTHC cho DN, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho mọi hoạt động của người dân và DN./.

Thu Hằng

900 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 590
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 590
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89004457