Các nghị sỹ Liban ngày 4/6 đã đề cử ông Jihad Azour - Giám đốc khu vực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Liban - vào vị trí tổng thống bị bỏ trống suốt 7 tháng qua do bất ổn chính trị ở quốc gia này.
Nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Michel Aoun đã kết thúc vào tháng 10/2022. Kể từ đó, Quốc hội Liban đã tổ chức 11 cuộc bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống mới, song tình trạng chia rẽ gay gắt đã ngăn cản bất kỳ ứng cử viên nào giành được đủ sự ủng hộ cần thiết để kế nhiệm ông Aoun.
Đất nước Liban hiện được điều hành bởi một chính phủ lâm thời với quyền lực hạn chế.
Ngày 4/6, nghị sỹ Mark Daou đã đọc tuyên bố thay mặt cho nhóm 32 nhà lập pháp, trong đó ủng hộ ông Azour trở thành Tổng thống Liban.
Các nhà lập pháp này trước đó đã ủng hộ một ứng cử viên khác - nghị sỹ Michel Moawad, nhưng nhân vật này đã tuyên bố rút lui để ủng hộ ông Azour, người đang giữ vai trò Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF.
Ông Azour từng giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính Liban trong giai đoạn 2005-2008. Hiện nay, ông vẫn chưa chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống.
Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Liban sớm bầu chọn tổng thống mới, bước đi sẽ cho phép quốc gia vốn đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ năm 2019 thực hiện những chương trình cải cách cần thiết để có thể tiếp nhận các khoản vay từ IMF.
Theo thông lệ, chức vụ Tổng thống của Liban thuộc về người Cơ đốc giáo dòng Maronite, ghế Thủ tướng được dành cho người Hồi giáo dòng Sunni và vị trí Chủ tịch Quốc hội thuộc về người Hồi giáo dòng Shiite.
Phong trào Hezbollah có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị ở Liban đã tán thành ông Sleiman Frangieh ứng cử tổng thống. Tuy vậy, ông Frangieh đã không giành được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội bị chia rẽ của Liban.
[IMF cảnh báo Liban đang trong tình trạng rất nguy hiểm]
Hiện chưa rõ khi nào Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri sẽ triệu tập cuộc bỏ phiếu mới để bầu ra tổng thống, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Liban trong tháng 4/2023 đã lên đến mức 269% do đồng Bảng Liban tiếp tục mất giá so với đồng USD. Đây là mức siêu lạm phát tháng thứ 34 liên tiếp ở Liban.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Liban đã suy giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD năm 2021, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 193 quốc gia.
Theo ước tính của WB, GDP thực tế của Liban đã giảm 2,6% năm 2022 và dự kiến giảm 0,5% trong năm nay./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)