Giải pháp để tăng cường chất lượng nền hành chính phục vụ nhân dân 

(QT) - Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) nhằm mục tiêu đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2020. Trong đó, coi trọng việc tự đánh giá của cơ quan quản lý hành chính và đánh giá của các cơ quan, tổ chức bên ngoài; nhất là đối với những doanh nhân, doanh nghiệp, người dân là những đối tượng trực tiếp thụ hưởng sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Đồng thời, thông qua chỉ số CCHC có thể đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu, mặt được và mặt chưa được trong quá trình thực hiện CCHC; giúp các cơ quan hành chính có cơ sở xem xét, đánh giá, kịp thời điều chỉnh mục tiêu nội dung CCHC của mình, cũng như đề ra các giải pháp thích hợp đảm bảo ngày càng nâng cao kết quả thực hiện. Việc đánh giá và xếp hạng chỉ số CCHC của các Bộ, ngành và địa phương sẽ phác họa nên bức tranh tổng thể, đầy đủ nhất để có thể so sánh giữa các cơ quan, đơn vị, từ đó có sự đánh giá sát thực và nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong việc cải thiện thứ hạng của mình đáp ứng yêu cầu mà mục tiêu Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. Với cách thức kết hợp giữa tự đánh giá của các Bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học bằng 8 chỉ số thành phần, giai đoạn 2012-2015, tỉnh Quảng Trị luôn có chỉ số CCHC nằm ở nhóm B (là nhóm đạt chỉ số CCHC từ 80% đến 90%) và nhóm C (là nhóm đạt chỉ số CCHC từ 70% đến 80%).

 

Cụ thể: Năm 2012, tỉnh tự chấm 46,3/62 điểm, Bộ Nội vụ thẩm định 42,05/62 điểm; điều tra xã hội đạt 29,55/38 điểm; tổng cộng đạt 71,6 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 11/12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Năm 2013, tỉnh tự chấm 49,1/62 điểm, Bộ Nội vụ thẩm định 42,6/62 điểm; điều tra xã hội đạt 30,19/38 điểm; tổng cộng đạt 72,79 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 12/12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Năm 2014, tỉnh tự chấm 57,1/62 điểm, Bộ Nội vụ thẩm định 50,4/62 điểm; điều tra xã hội đạt 30,79/38 điểm; tổng cộng đạt 81,19 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 8/12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Năm 2015, tỉnh tự chấm 58/62 điểm, Bộ Nội vụ thẩm định 53,5/62 điểm; điều tra xã hội đạt 30,91/38 điểm; tổng cộng đạt 84,41 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 10/12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

 

Có thể thấy, chỉ số CCHC của Quảng Trị mặc dù ngày càng được gia tăng về điểm số nhưng trong bảng xếp hạng với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì thứ hạng không được cải thiện nhiều, lại luôn nằm phần nửa cuối bảng xếp hạng giữa các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Một số lĩnh vực CCHC có hướng chuyển biến tích cực như: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số lĩnh vực vẫn chậm được cải thiện, có dấu hiệu sụt giảm và ngày càng tụt hậu so với các tỉnh, thành phố khác như: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Và đặc biệt, trong số các lĩnh vực được đánh giá, tỉnh Quảng Trị có 3 lĩnh vực được Bộ Nội vụ thẩm định còn khoảng cách khá xa mốc điểm tối đa (Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC bình quân đạt 6 điểm so với điểm tối đa là 14,5 điểm; đổi mới cơ chế tài chính bình quân 2,75 điểm so với điểm tối đa là 13 điểm và hiện đại hóa hành chính bình quân đạt 5,03 điểm so với điểm tối đa là 12,5 điểm) đã ảnh hưởng rất lớn đến tổng điểm chung của tỉnh.

 

Từ kết quả đánh giá đó có thể thấy với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tích cực, cố gắng trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh nên chỉ số CCHC của tỉnh đã có xu hướng tăng nhưng nhịp độ tăng còn chậm dẫn đến thứ hạng chưa được cải thiện đáng kể. Chỉ số CCHC không đơn thuần là vấn đề cải cách, giảm các thủ tục hành chính từ ban hành cơ chế chính sách, cụ thể hoá chủ trương của Nhà nước đến giải quyết thủ tục hồ sơ cho công dân; là việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiện đại hóa nền hành chính; là sự cạnh tranh về thứ hạng giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước, mà quan trọng hơn hết nó có tác động tích cực đến mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động CCHC, đáp ứng yêu cầu vận động chung của xã hội, hướng tới đảm bảo sự hài lòng của người dân và thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của cán bộ thực hiện công tác hành chính, cung ứng dịch vụ công trong nền hành chính phục vụ nhân dân.

 

Do đó, công tác CCHC của tỉnh hiện nay cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và tạo được điểm nhấn trong từng thời điểm nhất định, có giải pháp cụ thể, mô hình mới, có tính đột phá, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa và hiệu quả trên thực tế, để từ đó tạo nên những chuyển biến rõ nét, vững chắc và có sức thuyết phục. Để thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, trong thời gian tới, bên cạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp được Tỉnh ủy đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 15/4/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016- 2020 và đã được UBND tỉnh cụ thể hóa tại Chương trình hành động số 3245/CTr-UBND ngày 15/8/2016, Kế hoạch số 2057/KHUBND ngày 30/8/2016 về kế hoạch cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020; mỗi sở, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân vì đâu trong giai đoạn vừa qua các chỉ số thành phần liên quan đến đơn vị, địa phương mình chưa được cải thiện hoặc chậm được cải thiện và có những nội dung thành phần có nguy cơ “tụt dốc” hay khoảng cách ngày càng doãng ra so với mặt bằng đánh giá làm ảnh hưởng đến tổng điểm chung của tỉnh, để từ đó kịp thời đề ra và thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, khắc phục nhanh, triệt để, hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, cần có ý thức cầu thị, nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương các mô hình, cách làm thiết thực và hiệu quả như: “Mô hình đánh giá công chức theo kết quả việc làm”, “Mô hình một cửa điện tử tập trung”, “Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành”, “Dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo địa chỉ yêu cầu của công dân, tổ chức”… mà một số tỉnh, thành phố trong nước đã thực hiện rất thành công.

 

Nguyễn Lan Hương

 
 
878 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 618
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 618
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77454753