Ngày 7/5, Thủ tướng Friedrich Merz đã tới thủ đô Warsaw của Ba Lan - điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du đầu tiên của ông (sau Paris, Pháp) kể từ khi nhậm chức, thể hiện quyết tâm tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Berlin tại châu Âu.
Chuyến thăm này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn đặt nền móng cho một giai đoạn mới trong quan hệ Đức-Ba Lan trong bối cảnh Lục địa Già đang đối mặt với những thách thức chưa từng có từ xung đột, di cư, đến an ninh quốc phòng.
Tại Warsaw, Thủ tướng Merz đề cao vai trò quân sự quan trọng của Ba Lan ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nỗ lực hỗ trợ Ukraine, nhưng cũng không che giấu những bất đồng về vấn đề di cư và tài chính quốc phòng.
Ông Merz nhấn mạnh Đức ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cho phép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quân sự, thậm chí đề xuất áp dụng cơ chế tương tự như việc loại trừ chi tiêu quốc phòng khỏi giới hạn nợ công ở Đức.
Tuy chưa cam kết ủng hộ đề xuất vay nợ tập thể của EU cho chi tiêu quốc phòng, nhưng ông Merz mở ra khả năng tách biệt chi tiêu quân sự khỏi các ràng buộc tài khóa hiện hành, một động thái có thể định hình lại cơ cấu ngân sách EU trong thập kỷ tới.
Một trong những điểm nhấn gây tranh cãi của chuyến thăm là kế hoạch của Chính phủ Đức trong việc đẩy mạnh kiểm soát biên giới và từ chối hầu hết người xin tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt cho biết khoảng 2.000-3.000 cảnh sát biên phòng sẽ được bổ sung, nâng tổng lực lượng lên hơn 14.000 người, sẵn sàng từ chối người nhập cư không có giấy tờ - trừ nhóm dễ tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ em.
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã phản ứng thận trọng nhưng rõ ràng, khẳng định Ba Lan sẽ không chấp nhận các nước (bao gồm cả Đức) chuyển người di cư sang nước này, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử tổng thống sắp tới.
Tuy còn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh về một "khởi đầu mới" trong quan hệ song phương. Ông Tusk gọi đây là "giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ Đức-Ba Lan trong hơn 10 năm qua," đặc biệt trong bối cảnh châu Âu cần một trục đoàn kết mạnh mẽ để đối phó với những thách thức an ninh hiện hữu.
Trong khi đó, ông Merz khẳng định mục tiêu dài hạn là EU cần tăng cường sản xuất vũ khí và hài hòa hệ thống quốc phòng giữa các quốc gia thành viên. Ông cũng ủng hộ việc thành lập hội đồng an ninh quốc gia để thống nhất điều phối chính sách đối ngoại, quốc phòng và phát triển của Đức sau nhiều năm nội bộ lục đục dưới thời người tiền nhiệm Olaf Scholz./.
Tổng thống Macron cho biết Pháp - Đức sẽ lập một hội đồng quốc phòng và an ninh chung để họp thường xuyên nhằm đưa ra các phản ứng tác chiến đối với những thách thức chiến lược chung.