Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai mới có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (trụ sở tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) vì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Tại Quyết định 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Trong 30 ngày (từ 9/10/2023), chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam.
[Huy động vốn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại]
Giấy đòi nợ thể hiện rõ các thông tin bắt buộc là: tổng số nợ phải trả, gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm, số nợ không có bảo đảm mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ. Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án tỉnh Gia Lai căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.
Thụ lý đơn, Tòa án tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai giải trình nguyên nhân dẫn tới mất khả năng thanh toán và các báo cáo tài chính, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách chủ nợ và nhiều tài liệu khác liên quan.
Sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vào ngày 9/10, đến ngày 13/10, ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị đình chỉ quyết định này và xem xét lại theo đúng quy định của Luật Phá sản./.
Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)