Giá dầu thế giới tăng khoảng 2% trong phiên 28/11 trước khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ gia hạn hoặc tăng cường cắt giảm nguồn cung, sản lượng dầu tại Kazakhstan giảm và đồng USD suy yếu.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,70 USD, hay 2,1%, lên 81,68 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,55 USD, hay 2,1%, và đóng phiên ở mức 76,41 USD/thùng.
OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng vào ngày 30/11 để thảo luận các mục tiêu sản lượng cho năm 2024. Các nguồn thạo tin cho hay các cuộc đàm phán lần này sẽ khó khăn và OPEC+ có khả năng cao sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó, hơn là gia tăng mức cắt giảm.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 68 xu Mỹ xuống 81,28 USD/thùng sau khi đã giảm tới 4% trong phiên 22/11, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 75 xu Mỹ (1%) xuống 76,35 USD/thùng.
Một nguồn tin cho hay theo các phái đoàn, Saudi Arabia đang yêu cầu hạn ngạch sản lượng thấp hơn cho các nước OPEC+ khác. Trong khi Kuwait phát đi tín hiệu đồng thuận với việc này thì nhiều nước lại phản đối, trong đó có Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khi mục tiêu sản lượng năm 2024 của nước này vừa được nâng lên trong cuộc họp trước đó hồi tháng Sáu.
Phiên này, giá dầu cũng được hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD, dự đoán lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm và sự sụt giảm trong sản lượng dầu tại Kazakhstan.
Các mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan đã cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày tổng cộng 56%. Trong khi đó, lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 817.000 thùng trong tuần trước, theo Viện Xăng dầu Mỹ (API). Số liệu chính thức sẽ được công bố trong ngày 29/11.
Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất ba tháng qua trong phiên này sau khi Thống đốc Christopher Waller của Fed mở ra khả năng hạ lãi suất trong vài tháng tới nếu lạm phát giảm hơn nữa.
Đồng USD suy yếu thường làm tăng nhu cầu dầu vì nó khiến mặt hàng này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.