Giá dầu thế giới tăng gần 2% 

(ĐCSVN) – Trong phiên giao dịch ngày 13/7, giá dầu thế giới đã tăng gần 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường nên chuẩn bị cho nguồn cung thắt chặt hơn ở thời điểm hiện tại do bất đồng giữa các nhà sản xuất lớn về lượng dầu thô bổ sung ra thế giới.
Giá dầu thế giới tăng gần 2%

Theo đó, giá dầu thô Brent tăng 1,33 USD (tương đương 1,8%), lên 76,49 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,15 USD (tương đương 1,6%), lên 75,25 USD/thùng.

Thị trường nhìn chung đã mạnh lên do nhu cầu phục hồi và khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã giảm hàng triệu thùng dầu cung cấp cho thị trường. OPEC+ dự kiến sẽ đẩy mạnh nguồn cung, nhưng các cuộc thảo luận của OPEC+ về chính sách sản lượng chưa đạt được kết quả.

IEA có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết, dự trữ dầu toàn cầu giảm trong quý III/2021 được coi là lớn nhất trong ít nhất một thập niên, bắt nguồn từ các đợt giảm vào đầu tháng 6/2021 từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. IEA cho biết giá dầu sẽ có nhiều biến động cho đến khi OPEC+ giải quyết được những bất đồng còn tồn tại liên quan đến sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.

Những mâu thuẫn đã khiến OPEC+ không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng mới tiếp tục đặt thị trường dầu thô trước nguy cơ các nước đồng loạt phá vỡ cam kết, tăng mạnh nguồn cung dầu ra thị trường. OPEC+ đã từ bỏ các cuộc đàm phán vào tuần trước về việc nâng sản lượng, sau khi xảy ra tranh chấp giữa Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) về cách gia hạn Hiệp ước.

Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết dự trữ dầu và xăng đã giảm trong tuần trước. Dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/7 và là tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của nước này trong ngày 14/7.

Việc giá dầu liên tục duy trì ở mức cao là điều các nước tiêu thụ dầu thô lớn như Mỹ không hề mong muốn bởi nó có thể làm gia tăng các chi phi đầu vào của nền kinh tế vốn đang trong quá trình phục hồi sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới có thể làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu nếu đại dịch tiếp tục bùng phát.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta đang dần chiếm ưu thế, trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ vaccine để đảm bảo cho các nhân viên y tế.

Trước đó, các cuộc thảo luận của OPEC+ bắt đầu hồi đầu tháng 7 vừa qua nhằm đưa ra chính sách sản lượng trong thời gian còn lại của năm đã không đạt được thỏa thuận. Ngày 2/7, OPEC+ đã bỏ phiếu về một đề xuất sẽ bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng từ tháng 8 đến tháng 12, dẫn đến việc tăng thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Các thành viên cũng đề xuất gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, UAE đã từ chối những đề xuất này.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng.

Nói về việc từ chối tham gia thỏa thuận, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, Suhail Al-Mazrouei ngày 4/7 cho biết: “UAE chấp nhận tăng sản lượng vô điều kiện mà thị trường yêu cầu. Tuy nhiên, quyết định gia hạn thỏa thuận đến cuối năm 2022 là không cần thiết phải thực hiện ngay bây giờ. Vẫn còn 8 đến 9 tháng trong thỏa thuận này và chúng tôi cho rằng còn rất nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề này ở giai đoạn sau”./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)
125 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 685
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 685
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87228168