Giá dầu Brent Biển Bắc tại London và dầu West Texas Intermediate tại thị trường New York giảm lần lượng và 4,1 và 4% so với phiên giao dịch cuối tuần trước - ngày 21/2.
Tuần trước, giá dầu thế giới đã tăng, một phần nhờ những nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc đã xoa dịu những lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Số liệu từ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong nước tăng ít hơn dự đoán, trong khi lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều giảm.
Theo kế hoạch, cuộc họp của đại diện các quốc gia tham gia thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối này (gọi là nhóm OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 5-6/3.
Dịch bệnh COVID-19 gia tăng và diễn biến phức tạp tại Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran cũng khiến giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch ngày 24/2 giảm lớn nhất kể từ giữa năm 2016.
Tại thị trường chứng khoán Milan, giá cổ phiếu giảm hơn 4,5% sau khi Italy thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực miền Bắc nước này tăng mạnh. Tại sàn giao dịch Frankfurt (Phrăng-phuốc), Đức, và Paris (Pháp), giá cổ phiếu giảm hơn 3,5%. Tại sàn FTSE của London (Anh), giá cổ phiếu giảm 3,3%, gây thiệt hại ít nhất 400 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài giờ.
Trong khi đó, giá vàng cũng tiếp tục đà tăng mạnh, với hơn 2,5%, giá vàng đã tăng lên 1.680 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7 năm./.
Phương Hoa/TTXVN