Chiến thắng của quan điểm chống nhập cư cứng rắn

Cuộc bầu cử Quốc hội Hungary vừa kết thúc với chiến thắng vang dội thuộc về đảng Liên đoàn Công dân Hungary (FIDESZ) theo đường lối cánh hữu của đương kim Thủ tướng Viktor Orban. Sẽ không có gì đáng bàn về chiến thắng này, nếu như chính phủ của Thủ tướng Orban không có quan điểm chống nhập cư cứng rắn. Với tư tưởng “Hungary trên hết” và đường lối cứng rắn chống người nhập cư trái phép, Thủ tướng Orban dường như thuyết phục được phần lớn cử tri Hungary mang nỗi sợ mất an ninh và khủng bố bỏ phiếu cho đảng FIDESZ.

Trong thông điệp hàng năm, Thủ tướng Hungary Orban từng mô tả làn sóng di cư là đám mây u ám trên bầu trời châu Âu, sẽ làm các quốc gia châu Âu rơi vào tình cảnh rối ren, đồng thời tuyên bố Hungary sẽ theo đuổi “cuộc đấu tranh chính trị” để buộc Liên minh châu Âu thay đổi cơ chế bắt buộc về việc tái định cư cho người tị nạn. Đặc biệt, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Thủ tướng Hungary Orban đã khẳng định ông là “người cứu rỗi” văn hóa của Hungary trước làn sóng người di cư Hồi giáo gia nhập vào châu Âu. Phát biểu trước những người ủng hộ, Thủ tướng Orban đã kêu gọi người dân bỏ phiếu cho ông và đó chính là cách để bảo vệ Hungary trước làn sóng di cư ồ ạt tại châu Âu. Ông cho biết: “Mối đe dọa lớn nhất đó là hàng triệu người di cư đang ồ ạt tiến vào các nước Liên minh châu Âu từ phía Nam. Tuy nhiên các nước Liên minh châu Âu không muốn bảo vệ biên giới của mình. Hungary đã xây dựng hàng rào, bảo vệ biên giới phía Nam của mình và nói không với bất cứ chính sách nào của Liên minh châu Âu về di cư”. Và những “cuộc tấn công” không ngừng của Thủ tướng Orban đối với vấn đề người nhập cư châu Âu đã trở thành một thông điệp chiến thắng cho ông ở Hungary.

Không chỉ trong phạm vi Hungary, quan điểm chống nhập cư của Thủ tướng Orban đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu như Ba Lan, Italy, Czech, Áo và một số giới chức chính trị Đức.

Trong khi đó, thời gian gần đây, cách thức ứng phó với vấn đề nhập cư đã trở thành chủ đề gây chính trị hóa, phân cực hóa ở nhiều nước Liên minh châu Âu khiến chính phủ các nước thành viên trở nên căng thẳng với nhau.

Những người chỉ trích toàn cầu hóa thuộc nhiều trường phái chính trị khác nhau xuất hiện ở tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu và đã tập hợp thành một phong trào. Còn ở một số nước, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa đã nhận được sự đồng cảm và trở thành các bên tham gia chính trị quan trọng. Phe ủng hộ chủ quyền quốc gia vốn đang lớn mạnh tại Liên minh châu Âu, có sự chồng lấn một phần với các xu hướng dân tộc chủ nghĩa, dường như ôn hòa hơn và vì vậy thành công hơn trong các cuộc bầu cử, điển hình là cuộc bầu cử Quốc hội tại Italy, Áo, Czech … trong thời gian qua. Tương tự Hungary, ngày càng nhiều chính phủ theo đuổi chính sách dân tộc, muốn giảm ảnh hưởng và sự phụ thuộc bên ngoài cũng như nhấn mạnh bản sắc, sức mạnh và quyền tự quyết của riêng mình.

Ngăn chặn từ xa

Theo tờ Le Monde (Pháp) số ra cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên cho phép tái định cư khoảng 50.000 người di cư đang trong hoàn cảnh cùng cực nhất, cũng như cố gắng cải thiện cuộc sống của những người khác bằng cách tài trợ các hoạt động tại các trung tâm tị nạn Libya của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Ngoài việc hỗ trợ các tổ chức nhân đạo quốc tế, Liên minh châu Âu tài trợ cho các cơ quan an ninh Libya, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển. Không ai có thể tính được hết số tiền mà Liên minh châu Âu đã chi cho việc triển khai các lực lượng an ninh Libya. Hồi tháng 7/2017, Ủy ban châu Âu đã ra thông báo về khoản chi 46 triệu euro để huấn luyện và trang bị vũ khí cho lính biên phòng Libya, cũng như để thiết lập "cơ chế kiểm soát" ở thủ đô Tripoli. Đó là chưa kể đến các khoản tiền do các nước thành viên Liên minh châu Âu đóng góp trực tiếp.

Tiền tài trợ của châu Âu chủ yếu được rót qua Quỹ Tín thác châu Phi. Được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-châu Phi hồi tháng 11/2015 tại Valletta (Malta), quỹ này có mục đích "giải quyết những thách thức của di cư bất hợp pháp". Quỹ đã nhận 3,2 tỷ euro thông qua các quỹ phát triển châu Âu. Theo các thống kê chính thức, từ năm 2015, có 478 triệu euro đã được giải ngân với mục đích "cải thiện quản lý di cư", bao gồm đào tạo cảnh sát và thẩm phán, thiết lập hệ thống sinh trắc học, cung cấp trang thiết bị bảo vệ biên giới. Hội nghị này được đánh giá là đã đánh dấu quá trình thể chế hóa việc chuyển giao quản lý biên giới châu Âu thông qua việc lấy các quỹ phát triển phục vụ cho kiểm soát nhập cư.

Dự kiến năm 2018, Liên minh châu Âu sẽ mở một "trung tâm điều phối khu vực" tại thủ đô Khartum (Sudan) với kinh phí 5 triệu euro nhằm đào tạo các lực lượng biên phòng và phát triển hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống buôn lậu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng hoạt động hết công suất tại Niger và đã giải ngân 140 triệu euro thông qua Quỹ Tín thác châu Phi, trong đó có ít nhất 36 triệu USD để tăng cường các dịch vụ an ninh, chưa tính đến 596 triệu euro thuộc các hiệp định tài trợ song phương. Một lực lượng cảnh sát phối hợp, được gọi là Liên minh châu ÂuCAP, đã ra đời từ năm 2015 với mục tiêu hàng đầu là phá các mạng lưới chuyên chở người tị nạn bất hợp pháp qua biển.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, số lượng người di cư sẽ được quản lý tốt hơn nếu Liên minh châu Âu đưa ra được một kế hoạch tổng thể. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu phải có những động thái tiến triển mới trên vấn đề này, nhưng nội bộ Liên minh châu Âu vẫn còn nhiều bất đồng. Thiếu một kế hoạch tổng thể, họ sẽ phải tiếp tục đưa ra các biện pháp tạm thời và tức thì nhưng điều này sẽ thiếu đi tầm nhìn tương lai và sẽ khó có thể cải thiện được niềm tin của dân chúng. Vấn đề hiện nay là nhiều công dân châu Âu đã mất niềm tin vào khả năng của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trong việc quản lý vấn đề người di cư trong bối cảnh thực tế là đang tồn tại bất đồng lớn tại châu Âu, giữa những người thực sự muốn giải quyết vấn đề di cư và những người chỉ muốn dựng lên những bức tường và rào cản.

Giải pháp nào cho những thách thức?

Để lấy lại niềm tin của công chúng, giới chức châu Âu phải đạt được một thỏa thuận về một chính sách chung và dài hạn về vấn đề người di cư và tị nạn. Tiếp theo, các chính sách về người nhập cư cần sáng tạo hơn và mềm dẻo hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực của quy chế bảo vệ tạm thời, khi những người di cư luôn dựa vào lý do nước họ đang trong giai đoạn khủng hoảng và họ không được an toàn. Những người khác mong muốn đoàn tụ gia đình để có cuộc sống ổn định thay vì bị ly tán.

Một số người di cư vì lý do kinh tế là nạn nhân của bọn buôn người cũng đang cần sự trợ giúp. Với những đối tượng này, khả năng tìm được việc làm trên thị trường lao động châu Âu là rất khó và nhiều người bắt buộc phải trở về nước. Giải pháp này là một lựa chọn không tồi. Những người di cư vì lý do kinh tế sẽ trở về quê hương với một chút tiền để bắt đầu lại cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ phải hồi hương bất hợp pháp, dẫn đến việc bị tổn thương danh dự. Liên minh châu Âu có thể giúp những người tự nguyện hồi hương với một khoản tiền nhỏ để họ không phải cảm thấy thất bại.

Phần lớn người di cư trên thế giới thực hiện hành trình của họ một cách có trật tự, đều đặn và an toàn với các chuyến đi được bảo đảm. Nhưng cũng có tới 66 triệu người trên thế giới buộc phải sống tị nạn, khoảng 24 triệu người di cư và hơn 22 triệu người di chuyển trong chính đất nước của họ. Vấn đề còn lại là phải biết cách quản lý làn sóng này. Nhiều người cho rằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ hay thỏa thuận giữa Italy và Libya đang vận hành tốt, tuy nhiên, con số những người thiệt mạng trong số các trường hợp vượt biển hầu như không thay đổi, thậm chí gia tăng. Năm 2017, có 5.000 người thiệt mạng trong khi năm 2016 là 3.600 người. Chỉ mới hai tháng đầu năm nay, con số này đã là 1.000 người và đây đúng là một thảm họa. Giới chuyên môn nhấn mạnh cần phải kết hợp các chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Cứu sống mạng người là mối quan tâm chủ yếu của châu Âu và tất cả các nỗ lực là nhằm thực hiện việc đó.

Các luồng di cư ảnh hưởng đến châu Phi và châu Âu trong những thập kỷ tới như thế nào? Câu trả lời phần lớn liên quan đến nhân khẩu học. Tổng dân số của châu Phi sẽ tăng từ 1,2 đến 2,5 tỷ vào năm 2050. Ngược lại, trong cùng thời kỳ, tại các nước châu Âu như Đức và Italy, số lượng người dân sẽ giảm tương ứng từ 81 triệu xuống 79 triệu và từ 60 triệu xuống 55 triệu người. Những con số này xác nhận rằng nỗ lực để ngăn chặn các dòng di cư và buôn người thông qua việc triển khai quân đội hoặc chuyển hướng các làn sóng di cư chỉ có thể mang lại một sự thất bại. Chỉ bằng cách áp dụng các giải pháp căn bản mới có thể biến thách thức thành cơ hội.

Từ quan điểm của Liên minh châu Âu, các giải pháp căn bản này bao gồm 5 chính sách chính.

Thứ nhất, là xử lý các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên cản trở sự phát triển trong khu vực của các công ty châu Âu tại châu Phi;

Thứ hai, là mở cửa cho các sản phẩm sản xuất tại châu Phi vào châu Âu. Bằng cách này, các nước châu Âu sẽ đóng góp cho việc phát triển sản xuất ở chính những nước xuất phát của làn sóng di cư. Mặc dù các nước châu Phi nhận được 31 tỷ USD từ nước ngoài chuyển về, nhưng các công ty đa quốc gia hoạt động tại châu Phi thu về 32 tỷ USD lợi nhuận hàng năm.

Thứ ba, là kiểm soát và ngăn chặn dòng chảy vũ khí sản xuất ở các nước châu Âu và bán ở châu Phi hoặc các khu vực Trung Đông bị ảnh hưởng bởi chiến tranh;

Thứ tư, là tăng cường cung cấp tài chính cho các hoạt động bảo vệ biên giới, đồng thời tạo cơ hội cho các dòng người di cư vì khí hậu hoặc bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu;

Thứ năm, là bãi bỏ các chính sách có thể dẫn đến việc chuyển hướng các làn sóng di cư./.

Tấn Vũ