Ghi nhận bước đầu về mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh 

(QT) - Để tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập, hướng nghiệp của nhân dân, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên; hướng hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vào những nội dung mang tính ổn định, thiết thực, ngày 19/10/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39/2015/ TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đây là sự cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

 

Lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh

 

Thực hiện Quyết định số 940/QĐ-UBND, ngày 6/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng phương án sáp nhập các trung tâm: Giáo dục thường xuyên, Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Dạy nghề tổng hợp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNNGDTX) huyện Vĩnh Linh.

 

Ngày 1/7/2016 Trung tâm GDNN - GDTX Vĩnh Linh chính thức đi vào hoạt động. Bước đầu thực hiện quản lý theo mô hình mới, quy mô lớn hơn Trung tâm GDNN- GDTX gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công tác quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ và cùng một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ: Giáo dục về văn hóa, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông...

 

Đặc biệt, cơ sở vật chất khi nhận bàn giao thiếu đồng bộ lại cách xa nhau nên rất khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng. Một số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm trước đây được tuyển dụng không phù hợp với bằng cấp chuyên môn đào tạo nên rất khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí lao động. Nhiều người cùng một lúc phải tham gia sinh hoạt chuyên môn ở nhiều tổ chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Trung tâm thiếu giáo viên cơ hữu dạy các môn văn hóa, dạy các nghề xã hội cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào, ý thức học tập và rèn luyện của học sinh học văn hóa còn thấp, cần sự đầu tư quan tâm rất lớn của cán bộ, giáo viên, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

 

Trong lúc đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa kịp thời, chưa theo thời vụ, số lượng lao động nông thôn được đào tạo tương đối ít so với nhu cầu của lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn, chưa đa dạng các nghề đào tạo cũng như đào tạo những nghề mới, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

 

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX cho biết: “Sau khi có quyết định thành lập, lãnh đạo trung tâm đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, thành lập các tổ chuyên môn nghiệp vụ, các tổ chức đoàn thể và ban hành các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế văn hóa, thực hiện quy chế dân chủ… để đi vào hoạt động. Chỉ đạo các bộ phận, các tổ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện có hiệu quả các hoạt động dạy và học đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy trình năm học”.

 

Hiện tại, trung tâm có 36 cán bộ, giáo viên nhân viên và hợp đồng lao động. Đa số có trình độ chuyên môn đạt chuẩn. Để làm tốt công tác quản lý đối tượng, thu hút đầu vào, trung tâm tham gia vào ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) của huyện và chịu trách nhiệm về những công việc được phân công, phối hợp với Phòng GD & ĐT thực hiện công tác phổ cập bậc trung học, làm tốt công tác huy động số lượng, nắm số lượng học sinh không vào học THPT để huy động vào học các lớp GDTX cấp THPT, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tỷ lệ huy động và tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm. Tuy mới thành lập hơn nửa năm nhưng mọi hoạt động dạy học của trung tâm nhanh chóng ổn định và đi vào nền nếp.

 

Ban giám đốc trung tâm luôn đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, phát huy năng lực trong quản lý điều hành cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, tìm hướng khắc phục những tồn tại trong cơ chế quản lý cũ. Năm học 2016-2017, Trung tâm GDNN- GDTX đã huy động được 275 học viên vào học văn hóa GDTX cấp THPT, trên 1.000 học sinh ở các trường THPT vào học các nghề phổ thông như: Điện dân dụng, may mặc, điện tử, tin học, nấu ăn, vẽ kỹ thuật... Cũng trong năm học này, trung tâm đã tư vấn hướng nghiệp được hơn 400 học sinh khối 12 trường THPT Vĩnh Linh, 72 học sinh khối 12 GDTX của trung tâm và tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho hàng nghìn học sinh khối THCS.

 

Đặc biệt, trong năm học này trung tâm liên kết với các trường Cao đẳng Nam Định, Trường trung cấp nghề số 9 Quảng Bình vừa dạy văn hóa kết hợp với dạy trung cấp nghề cho 6 lớp gồm 178 học viên học các nghề như: May thời trang, điện dân dụng và điện công nghiệp, cơ khí. Số học viên nay sau khi tốt nghiệp sẽ có 2 bằng THPT và trung cấp nghề. Các em có bằng trung cấp nghề được học liên thông lên cao đẳng, đại học theo quy định. Đây là cơ hội tốt về nghề nghiệp và việc làm cho các học viên. Mặc dù đầu vào của học sinh GDTX rất thấp nhưng nhờ sự tâm huyết với nghề, các thầy cô giáo của trung tâm đã vượt qua khó khăn để truyền đạt kiến thức về văn hóa và giáo dục đạo đức cho học viên nên chất lượng về hạnh kiểm cũng như văn hóa tăng hơn trước.

 

Năm học này, khối GDTX có gần 43% học viên có hạnh kiểm loại tốt, trên 47% loại khá, gần 0,8% có lực học văn hóa loại giỏi, gần 22% loại khá và trên 70% xếp loại trung bình. Riêng mảng dạy nghề lao động nông thôn, kể từ khi thành lập trung tâm đến nay đã mở được 9 lớp, thu hút 252 học viên theo học các ngành nghề theo đề án 1956 về đào nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 120 học viên theo học các nghề phi nông nghiệp, còn lại là các lớp học về nông nghiệp. Từ đầu năm 2017, trung tâm còn mở được 11 lớp dạy nghề cho lao động vùng biển theo chương trình hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân vùng biển sau sự cố môi trường, thu hút 361 học viên tham gia.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, năm học 2017-2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Linh bám sát các chỉ tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để phấn đấu thực hiện. Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ để đảm bảo về chất lượng đầu ra. Dựa trên thực tế điều kiện của địa phương để đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, tổ chức thực hiện các chương trình GDTX, chương trình giáo dục nghề phổ thông cũng như công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

 

Chú trọng việc đào tạo nhân lực có tay nghề phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời mở rộng liên kết với các trường trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh để đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trên địa bàn huyện.

 

Phấn đấu xây dựng trung tâm thành một cơ sở giáo dục đa ngành, nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân trên địa bàn huyện. Trước mắt, trung tâm xây dựng kế hoạch hàng năm có quy mô từ chiêu sinh 6 đến 7 lớp với số lượng 270 em học chương trình GDTX cấp THPT, 400 em học văn hóa kết hợp học trung cấp nghề. Mở 45 lớp với số lượng 1.000 em học sinh khối 11 và khối 8 tham gia học nghề phổ thông. Đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho 500 lượt lao động nông thôn.

 

Phương Mai

 

1750 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 600
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 600
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78099052