Gần 20 nước tham gia Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria 

Tổng thống Syria Assad lên án phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt, cản trở việc tạo ra các điều kiện thích hợp cho việc hồi hương người tị nạn Syria.
Gần 20 nước tham gia Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria

Sáng 11/11, tại thủ đô Damascus của Syria đã diễn ra Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria. Diễn đàn này do Tổng thống Syria Bashar al-Assad tổ chức và kéo dài trong hai ngày 11-12/11.

Tham gia hội nghị có đại diện của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Hội Chữ thập đỏ, các nhà ngoại giao của gần 20 quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran, Liban, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pakistan, Oman... Trong đoàn đại biểu của Nga có đại diện của hơn 30 bộ, ngành liên quan.

Phát biểu với hội nghị qua truyền hình, Tổng thống Bashar al-Assad cho biết hiện chính quyền Damascus đang phải đối mặt với một vấn đề phức tạp khi hàng triệu người tị nạn Syria muốn trở về.

Ông lưu ý rằng vấn đề người tị nạn đối với Syria là vấn đề quốc gia chứ không chỉ là vấn đề nhân đạo.

Ông Assad cũng lên án phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt, cản trở việc tạo ra các điều kiện thích hợp cho việc hồi hương người tị nạn Syria.

[Những giấc mơ, hy vọng ngóng chờ từng ngày của người tị nạn]

Về phía Nga, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria, Alexander Lavrentiev đã thay mặt Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh việc khôi phục cuộc sống hòa bình ở Syria sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương người tị nạn, đồng thời Nga dự định hỗ trợ bằng mọi cách có thể trong việc thực hiện các nỗ lực liên quan.

Hội nghị cũng tập trung đánh giá tình hình hiện nay tại Syria và những nỗ lực nhằm hồi hương người tị nạn. Hội nghị đã nêu ra những hậu quả tiêu cực của việc người Syria phải đi tị nạn, đồng thời đánh giá những khó khăn, hạn chế trong việc hồi hương người tị nạn. Phía Syria dự kiến thông báo cho cộng đồng quốc tế về các điều kiện để đưa người dân trở về.

Trong chương trình nghị sự của hội nghị có việc xây dựng các cơ chế cần thiết cho việc này, tìm kiếm các biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh, có tính đến việc giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không tham gia hội nghị trên. Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị, EU đã từ chối tham gia.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng hội nghị diễn ra quá sớm và “hiện tại, ưu tiên là hành động thực sự để tạo điều kiện hồi hương an toàn, tự nguyện” người tị nạn Syria.

Theo ông Borrell, trong cuộc xung đột kéo dài 9 năm ở Syria, khoảng nửa triệu người đã thiệt mạng, hơn 1 triệu người bị thương và khoảng 5,6 triệu người rời bỏ Syria đi tị nạn, chủ yếu chạy sang các nước láng giềng.

Chính quyền Syria cho rằng con số này là 6,5 triệu người. Ngoài ra, 6 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở trong lãnh thổ Syria./.

Duy Trinh-Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

 

200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 581
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 581
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89006016