Vòng xoáy bất ổn và cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc
Kể từ ngày 15/8/2021 – thời điểm lực lượng Taliban tuyên bố kiểm soát Afghanistan, quốc gia Nam Á vốn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nay lại vấp phải nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh.
Sau khi Taliban nắm quyền, hơn 120.000 người Afghanistan, trong đó hầu hết đều được đào tạo và có trình độ, từng làm việc với nước ngoài trong lĩnh vực quản lý hành chính và kinh tế, đã sơ tán trong những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn khi quân đội Mỹ và nhiều nước phương Tây rút đi. Trong khi đó, những công chức ở lại đất nước có rất ít động lực để quay lại làm việc, vì họ đã không được trả lương nhiều tháng.
|
Các binh sỹ lực lượng Taliban tuần tra trên đường phố sau khi kiểm soát thủ đô của Afghanistan vào ngày 15/8/2021 (Ảnh: AFP)
|
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lâu nay Afghanistan phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài, chiếm tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng sau khi Taliban nắm chính quyền, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ này "đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng".
Trong khi đó, hiện 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực. Tình trạng thiếu lương thực, mất an ninh nghiêm trọng và suy thoái kinh tế đã đẩy nhanh quá trình hình thành dòng người di cư ồ ạt, không chỉ ảnh hưởng tới các nước láng giềng của Afghanistan mà còn tác động tới châu Âu. Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 700.000 người Afghanistan, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải rời bỏ quê hương trong năm 2021. Ước tính, khoảng 5.000 người Afghanistan vượt biên trái phép để đến Iran mỗi ngày. Tới nay, hơn 3 triệu người Afghanistan đã tới Iran và 1,5 triệu người đã tới nước láng giềng Pakistan, từ đó tìm đường tới châu Âu.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình nhân quyền ở Afghanistan, Phó Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về Nhân quyền Nada Al-Nashif cho biết, mặc dù các cuộc giao tranh đã lắng xuống kể từ tháng 8, song dân thường Afghanistan vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng do xung đột vì các nhóm vũ trang vẫn tiếp tục tiến hành các vụ tấn công gây chết người.
Phó Cao uỷ LHQ về nhân quyền cho biết, tình hình hiện nay ở Afghanistan khiến người dân ít được bảo vệ về các quyền con người. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với sự bất ổn liên quan quyền được giáo dục, sinh kế và quyền được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội mà họ đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Hiện 60% trong số 4,2 triệu trẻ em Afghanistan đã nghỉ học là trẻ em gái và có thêm 8,8 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ bị tước đoạt quyền được giáo dục do các giáo viên không được trả lương và việc tiếp tục đóng cửa các trường học.
Chiếc “vòng kim cô” cho phụ nữ Afghanistan
Mặc dù lực lượng Taliban đang tìm cách thể hiện hình ảnh ôn hòa với quốc tế, nhưng những quy định có phần thiệt thòi với phụ nữ Afghanistan một lần nữa lại khơi ngợi nỗi ám ảnh về những luật lệ hà khắc mà lực lượng này đặt ra đối với phụ nữ cách đây 20 năm.
Dưới sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi làm, trẻ em gái không được đi học, phụ nữ phải che mặt và đi cùng đàn ông nếu muốn ra khỏi nhà. Việc Taliban bị lật đổ vào năm 2001 không đánh dấu sự kết thúc của sự bất công với phụ nữ ở Afghanistan. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, các thành phố đã đạt được nhiều tiến bộ khi phụ nữ được đi học đại học, tham gia làm việc ở các vị trí đầy quyền lực trong truyền thông, chính trị, tư pháp và thậm chí cả lực lượng an ninh.
Với nhiều quy định mà Taliban đưa ra kể từ khi nắm quyền vào giữa tháng 8/2021, những tiến bộ nói trên của phụ nữ Afghanistan lại đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Mới đây, chính quyền do Taliban điều hành ngày 26/12 tuyên bố phụ nữ Afghanistan không được di chuyển quãng đường quá 72km nếu không có một nam giới trong gia đình đồng hành. Bên cạnh đó, họ yêu cầu các chủ phương tiện không cho phụ nữ không đeo khăn trùm đầu lên xe. Bộ quy tắc mới đang được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội này cũng đề nghị người dân không bật nhạc khi đang lái xe.
Theo hãng thông tấn AFP, động thái trên được đưa ra sau khi Taliban không cho phép nhiều phụ nữ ở lĩnh vực công quay trở lại làm việc sau khi lực lượng này giành kiểm soát ngày 15/8. Ngoài ra, phần lớn trẻ em gái cũng bị cấm đến trường trung học cơ sở.
Vài tuần trước, Bộ Khuyến khích đạo đức và ngăn ngừa đồi bại cũng đề nghị các kênh truyền hình Afghanistan dừng chiếu phim và kịch có nữ diễn viên tham gia. Mặt khác, các nữ phóng viên truyền hình cũng phải đeo khăn trùm đầu khi lên sóng.
|
Phụ nữ và trẻ em di chuyển trên đường phố tại Kabul, Afghanistan ngày 15/12. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Liên quan đến chuyện kết hôn, mặc dù Taliban vào đầu tháng 12 vừa qua đã đưa ra sắc lệnh mới cho phép phụ nữ quyết định chuyện kết hôn, nhưng dường như nỗi ám ảnh về những vụ “cưỡng hôn” vẫn chưa thể hết. Trước thời điểm này, Taliban vẫn áp dụng Luật Hồi giáo khắc nghiệt Sharia với người dân mà trong đó, giới cầm quyền cưỡng ép phụ nữ từ 15 tuổi trở lên phải kết hôn với những chiến binh của họ.
Taliban cũng không cho phụ nữ đặt chân tới trụ sở công quyền. Ngoại trừ các vị trí không có đàn ông đảm nhiệm, Taliban yêu cầu mọi nhân viên nữ làm việc trong chính quyền Kabul ở nhà. Bộ Phụ nữ Afghanistan của chính quyền cũ cũng đã bị bãi bỏ, thay bằng Bộ Đức hạnh.
Mong một gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh tương lai
Vẫn là quá sớm để nói về một Afghanistan dưới thời Taliban, nhưng dường như một tương lai bất ổn, với những gam màu xám là điều mà người ta đang nhìn thấy kể từ thời điểm lực lượng này giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.
Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền do Taliban thành lập ở Afghanistan. Các nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm chuyển viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến tay người dân nước này mà không trở thành các khoản tài trợ cho chính quyền Taliban, vẫn chưa đạt kết quả.
Dư luận cho rằng một khi tình hình Afghanistan chưa được ổn định thông qua việc thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện, với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của các thành phần trong xã hội, lộ trình "hồi sức" cho Afghanistan vẫn còn rất gập ghềnh.
Và người dân Pakistan hơn bao giờ hết, họ mong chờ vào một cuộc sống ổn định hơn, ấm no hơn, một tương lai tươi sáng hơn trong năm mới và những năm tiếp theo./.