G7 cam kết loại bỏ dần nguồn năng lượng từ Nga 

(ĐCSVN) – Ngày 8/5, Nhóm Các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, đồng thời đưa ra tuyên bố phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
G7 cam kết loại bỏ dần nguồn năng lượng từ Nga

Thông báo được đưa ra sau khi G7 tổ chức cuộc họp thứ 3 trong năm nay thông qua hội nghị trực tuyến, với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

"Chúng tôi cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, trong đó có loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Chúng tôi sẽ đảm bảo thực hiện động thái này một cách kịp thời và theo thứ tự”, G7 đưa ra tuyên bố sau cuộc họp.

Tuyên bố từ G7 gồm các nước Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ không nêu rõ mỗi quốc gia sẽ thực hiện những cam kết gì đối với việc loại bỏ việc sử dụng năng lượng của Nga. Nhưng đó là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đang diễn ra nhằm gây áp lực với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách làm tê liệt nền kinh tế Nga, đồng thời nhấn mạnh sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại các hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau và cùng với các đối tác để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng toàn cầu ổn định, bền vững và giá cả phù hợp cho người tiêu dùng", tuyên bố nêu thêm.

Tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, việc loại bỏ nguồn dầu từ Nga sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến huyết mạch chính của nền kinh tế Nga và khiến quốc gia này không có được nguồn thu cần thiết để tài trợ cho các hành động quân sự.

Các nước phương Tây cho đến nay đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ trong các quyết định trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng tốc độ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt liên quan đến dầu và khí đốt của Nga diễn ra không đồng đều.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay, mặc dù Đức đã phản đối lời kêu gọi tẩy chay hoàn toàn khí đốt của Nga.

Mỹ, quốc gia vốn không phải là nước tiêu thụ lớn dầu mỏ của Nga đã cấm nhập khẩu dầu của nước này. Nhưng châu Âu lại phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga.

Cũng trong ngày 8/5, Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 3 đài truyền hình Nga, bao gồm Công ty Cổ phần Channel One Russia, Đài Truyền hình Russia-1 và Công ty Cổ phần Phát thanh truyền hình NTV; cấm công dân cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời áp đặt khoảng 2.600 hạn chế thị thực đối với quan chức Nga và Belarus.

Trước đó, ngày 4/5, EU đề xuất kế hoạch cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng từ 6-8 tháng trong gói trừng phạt thứ 6, để phản ứng chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine.

Cấm nhập khẩu dầu Nga được coi là vấn đề quan trọng nhất trong gói trừng phạt lần này của EU. Hiện EU chưa đạt thống nhất về cấm nhập khẩu dầu của Nga do một số quốc gia thành viên, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu từ Nga, không muốn tham gia lệnh cấm vận này. Nếu được đồng thuận, kế hoạch này sẽ là một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. 

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước phương  Tây. Cùng lúc đó, các quốc gia này cũng lên tiếng khẳng định sẵn sàng cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Hôm 7/5, Anh cam kết hỗ trợ quân sự và viện trợ bổ sung 1,3 tỷ USD cho Ukraine. Động thái này được công bố một ngày sau khi Mỹ cam kết viện trợ quân sự thêm 150 triệu USD cho Ukraine./.

 
H.Hà (Theo Reuters, AFP)
498 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 935
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 937
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87223367