Sự kiện này diễn ra vào thời điểm chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống được đánh giá là còn khó khăn gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi cơn bão đại dịch COVID-19 đang quét qua mọi ngõ ngách trên trái đất, gây ra một cuộc “khủng hoảng kép”, đe dọa trực tiếp sinh mạng con người và tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới.
Đúng như tên gọi, Hội nghị Nhóm G20 về COVID-19 lần này là một sự kiện đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Nhóm G20 tham gia vào một hội nghị trực tuyến kể từ khi thành lập, với tiêu chí ban đầu chỉ là tập hợp các Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu các ngân hàng Trung ương các nước, rồi sau đó được nâng lên thành cơ chế hàng đầu thế giới về hợp tác kinh tế trong năm 2008 và đưa thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929.
Điểm đặc biệt thứ hai của Hội nghị Nhóm G20 về COVID-19 lần này là diễn ra vào một thời điểm “không thể phù hợp hơn”, khi mà thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép do đại dịch gây ra. Để vượt qua thách thức này, thì những phản ứng đa phương, nhanh chóng và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các nước thực sự là điều cần thiết.
Sẽ là một sự so sánh khập khiễng nếu nói về tác động của đại dịch COVID-19 với những khủng hoảng tài chính mà thế giới từng trải qua. Bởi ngay lúc này, chúng ta đang phải đương đầu với một tình huống đầy thách thức, khi mà những biện pháp siết chặt mọi hoạt động của con người để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm đóng cửa các nhà máy, đình chỉ nhiều hoạt động kinh doanh trên thế giới… lại “đi ngược” với những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế.
Trước sự càn quét của cơn bão COVID-19, cho tới nay, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện những biện pháp mạnh tay để kiềm chế dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế. Tuy nhiên, những biến động bất lợi của thị trường chứng khoán trong nhiều ngày trở lại đây đã cho thấy, những hành động trên vẫn chưa đủ để có thể trấn an tâm lý và khôi phục niềm tin của giới đầu tư.
Trong thời khắc đầy khó khăn này, dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng rằng, Nhóm G20 – vốn chiếm đến 90% tổng sản lượng thế giới, 80% thương mại toàn cầu và bao quát 2/3 dân số thế giới sẽ có những hành động “tiếp thêm năng lượng” để thế giới bước qua thách thức chung là kết thúc đại dịch COVID-19 sớm nhất có thể và khôi phục nền kinh tế cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, đại dịch COVID-19 đã lan rộng tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với số ca nhiễm bệnh đã vượt ngưỡng 400.000 người và số ca tử vong vì dịch bệnh đã vượt quá con số 21.000 người. Sự lây lan chưa có điểm dừng của dịch bệnh đã khiến giới đầu tư hoang mang và từ đó, dẫn tới những nguy cơ gián đoạn của nền kinh tế.
Chúng ta vừa đón nhận một thông tin tốt về việc Nhóm G20 đã kích hoạt cơ chế hành động để ứng phó với COVID-19. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm G20 đã nhất trí hành động để giảm thiểu rủi ro về nợ, thúc đẩy một Kế hoạch Hành động chung để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ ổn định tài chính, cải thiện tính hạn chế thanh khoản đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Tuy nhiên, những thông tin bất lợi vẫn còn tồn tại, khi mà chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cô lập vẫn đang hiện hữu ngay cả khi thế giới đang chao đảo trong vòng xoáy COVID-19. Điều này đòi hỏi G20 cần đưa ra một tiếng nói chung, mạnh mẽ để tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, tìm kiếm cách thức duy trì dòng chảy thương mại thế giới, nhất là vào thời điểm các nước đang thực hiện nhiều biện pháp giới hạn để kiềm chế sự lây lan của virus. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì sự hoành hành của đại dịch COVID-19 cũng không thể được xem là một “lời biện minh” cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hay đưa nền kinh tế của một nước tới đường cùng.
|
Niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19. (Ảnh: Xinhua) |
Thế giới kỳ vọng gì ở Hội nghị đặc biệt của Nhóm G20 về COVID-19?
Ngày 25/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị trực tuyến đặc biệt Nhóm G20 vào ngày 26/3. Đây là sự kiện đa phương lớn đầu tiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Ông Mã Triều Húc khẳng định dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, gây tác động chính trị, kinh tế và xã hội nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế mong muốn các nước khẩn trương tăng cường hợp tác để chống lại dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng để G20 tập trung phối hợp đối phó dịch bệnh, tìm giải pháp ổn định nền kinh tế thế giới.
Theo ông Mã Triều Húc, tại hội nghị lần này, Trung Quốc sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm về tăng cường đoàn kết, ổn định nền kinh tế và khôi phục trật tự, tăng cường hợp tác và tăng cường phối hợp. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách mang tính cấu trúc cần thiết, thúc đẩy mở cửa thị trường, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy niềm tin thị trường.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng rằng tại Hội nghị đặc biệt này, các nhà lãnh đạo Nhóm G20 sẽ phát đi một thông điệp thống nhất về đại dịch COVID-19. Theo quan điểm của ông Moon Jae-in thì đại dịch COVID-19 hiện đã là một thách thức toàn cầu và không chỉ là vấn đề của một quốc gia đơn lẻ. Để đối phó với tình hình thì việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và tinh thần đoàn kết quốc tế đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đại dịch COVID-19 cũng không phải là một vấn đề trong phạm vi khu vực mà là một vấn đề toàn cầu. Cuộc đương đầu với COVID-19 cần tới sự chung sức của tất cả các nước, trong khi việc phát triển vắc-xin chống lại virus cũng cần tới những nỗ lực đa phương.
Ông Jim O’Neill - người từng giữ vai trò là cố vấn của cựu Thủ tướng Anh David Cameron về đại dịch đã đề cập tới khả năng G20 có thể đầu tư 20 tỷ bảng Anh để hỗ trợ phát triển các phương thức chữa COVID-19. “Khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng tập hợp lại để đưa ra một phản ứng với khủng hoảng, họ không thể đánh mất tính toán lợi ích chi phí đơn giản này” – ông O’Neill nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cùng lên tiếng kêu gọi Nhóm G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất nhằm giúp họ đối đầu với các thách thức do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Trong một tuyên bố chung gửi G20 ngày 25/3, WB và IMF nêu rõ dịch COVID-19 "sẽ có thể gây các hậu quả nghiêm trọng trên phương diện kinh tế và xã hội" tại các nước nghèo nhất, vốn phải dựa vào Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB. Tuyên bố nhấn mạnh: "Với các tác động trước mắt - và phù hợp với luật pháp quốc gia của các nước tài trợ - WB và IMF kêu gọi tất cả các chủ nợ ngừng đáo hạn nợ cho các nước được vay tiền theo IDA đang đề nghị khất nợ. Việc này sẽ giúp các nước IDA có khả năng thanh khoản trước mắt cần thiết để đối phó với các thách thức của dịch bệnh và có thêm thời gian đánh giá tác động khủng hoảng cũng như nhu cầu tài chính của mình."
Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 triển khai một gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, công nhân và các hộ gia đình chống đỡ trước cơn bão COVID-19. Trong bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo Nhóm G20, ông Guterres cảnh báo, tính đến cuối năm nay, những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Những thách thức chưa từng có tiền lệ do COVID-19 gây ra cũng khiến các công cụ chính sách và các quy tắc kinh tế thông thường không còn được áp dụng. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 cần hành động quyết đoán và tương xứng, thông qua việc hỗ trợ nền kinh tế, nâng GDP của thế giới lên hai con số tính theo phần trăm điểm. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” vào thời điểm loài người đang phải đối mặt với khủng hoảng./.