G20 trước nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 

(Chinhphu.vn) - Trước nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại không chỉ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế nhất nhì thế giới, mà có thể lan rộng ra trên quy mô toàn cầu, thì hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ ba trong năm 2018 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina là sự kiện được dư luận quan tâm đặc biệt.
G20 trước nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Với sự có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, hội nghị sẽ tập trung vào chủ đề "thách thức và cơ hội", để tìm những giải pháp cụ thể cho hướng đi mới của nền kinh tế thế giới.

 

Hội nghị kéo dài trong 2 ngày bằng các phiên họp kín, để đề cập tới các vấn đề như công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thuế và tài chính bao trùm… Ngoài ra, theo đề xuất của nước chủ nhà Argentina, các chủ đề liên quan tới tương lai của việc làm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cũng sẽ được đưa ra thảo luận.

 

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde bày tỏ tin tưởng với vai trò Chủ tịch luân phiên của G20, Argentina sẽ có tiếng nói mạnh mẽ giúp tạo ra được một sự hiểu biết lẫn nhau và bình đẳng ở cấp độ toàn cầu liên quan tới tăng trưởng và thay đổi trong vấn đề việc làm, tác động của công nghệ mới và thương mại. Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cho rằng mọi việc có đạt kết quả hay không còn phụ thuộc vào trách nhiệm của tất cả các thành viên của G20.

Đặc biệt, IMF cũng lên tiếng cảnh báo làn sóng áp thuế thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu có thể sẽ ảnh hưởng một cách đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Theo một báo cáo của tổ chức tài chính này, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa về một sự suy giảm vẫn hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng.

Vì theo đánh giá của giới quan sát, những tác động của mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ với EU và Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới lập trường của các bên trong cuộc họp lần này khi mà ngày 20-7, tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cáo buộc EU và Trung Quốc thao túng tiền tệ bất hợp pháp, đồng thời đe dọa áp thuế với ôtô nhập khẩu của châu Âu, cũng như mọi sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc.

Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 21/7 cho biết Tổng thống nước này Donald Trump không cố gắng tác động tới các thị trường tiền tệ, đồng thời nhắc lại rằng đồng USD mạnh cho thấy nền kinh tế Mỹ vững mạnh và nằm trong lợi ích dài hạn của Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Ban Ổn định tài chính (FSB) chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quy định tài chính của G20 công bố một chiến lược nhằm đánh giá các nguy cơ những đồng tiền ảo như Bitcoin có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Trong thông báo ngày 16/7, FSB nêu rõ: "Những tài sản ảo không gây ra nguy cơ hữu hình đe dọa  sự ổn định tài chính toàn cầu trong thời điểm hiện tại". Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các loại tiền ảo, việc thiếu hụt dữ liệu vững chắc về cách sử dụng chúng và sự không chắc chắn về những quy định áp dụng trong lĩnh vực này sẽ khiến các nền kinh tế lớn tăng cường sự giám sát.

Những lời kêu gọi siết chặt kiểm soát tiền ảo  của FSB đến từ sau vụ tăng giá kỷ lục của đồng Bitcoin cũng như sự nổi lên của nhiều loại tiền ảo mới làm dấy lên quan ngại thị trường không được kiểm soát và không minh bạch có thể trở thành nguy cơ đe dọa các nhà đầu tư.

Báo cáo này của FSB sẽ trình ra hội nghị G20 lần này để xem xét đánh giá và đưa ra những giải pháp cụ thể.

Tuyết Minh

456 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1060
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1060
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194511