Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nếu thế giới có thể cứu các ngân hàng thì cũng có thể cứu những hy vọng của các quốc gia đang phát triển.
Sau các vụ phá sản gần đây của các ngân hàng lớn, hàng trăm tỷ USD được huy động trong chỉ một tuần để bảo vệ các ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, chưa có nỗ lực như vậy để cứu hàng chục quốc gia đang phát triển trước các cuộc khủng hoảng, từ các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu đến đại dịch và xung đột tại Ukraine.
Đại dịch và quá trình phục hồi không đồng đều có tác động nhiều nhất đến các quốc gia đang phát triển. Các nước phát triển đã thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để có thể đầu tư cho quá trình phục hồi và hiện gần như đã quay về mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển, do chi phí vay mượn cao và nguồn lực tài chính hạn chế, không thể hành động tương tự. Các nước này có thể chịu mức lãi suất cao hơn 8 lần so với các nước phát triển khi đi vay trên thị trường tài chính.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn tiếp tục, với tác động không đồng đều đối với các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Trong khi các nước phát triển có khả năng chi cho việc thích ứng và chống đỡ, các nước đang phát triển không làm được như vậy.
[Những quốc gia đang phát triển đối mặt với khủng hoảng nợ trầm trọng]
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí trên toàn cầu nghiêm trọng hơn, với hàng chục triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực.
60% số quốc gia thu nhập thấp hiện đang có nguy cơ cao hoặc đã rơi vào tình trạng căng thẳng về nợ, cao gấp đôi so với tỷ lệ của năm 2015. Kể từ năm 2020, các nước châu Phi đã chi cho việc thanh toán lãi vay nhiều hơn cho y tế.
Thế giới không còn nhiều thời gian để cứu Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), một kế hoạch dựa trên sự đồng thuận toàn cầu về hòa bình thịnh vượng cho một hành tinh khỏe mạnh.
Triển vọng về một thế giới mà tất cả mọi người có những quyền lợi về y tế, giáo dục, việc làm, không khí và nước sạch, và một môi trường trong lành đang tuột khỏi tầm tay.
Khi sự bất bình đẳng giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa phụ nữ và nam giới, và giữa các nước đang phát triển và phát triển gia tăng, một thế giới phân chia giàu nghèo đã tồn tại những hiểm nguy cho tất cả. Nếu không hành động, khoảng cách này sẽ không chỉ gây tác động to lớn đến sự phát triển của nhiều nước mà còn gây tổn hại không nhỏ đến lòng tin trên toàn cầu.
Đó là lý do tại sao ông Guterres kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua Kế hoạch kích thích SDG để tăng nguồn tài trợ dài hạn lãi suất thấp cho các nước đang có nhu cầu thêm ít nhất 500 tỷ USD một năm.
Chương trình kích thích cho SDG sẽ nhằm tăng cường đầu tư dài hạn cho phát triển bền vững, đặc biệt là những lĩnh vực mà việc chuyển đổi là cấp thiết nhất như năng lượng tái tạo, hệ thống lương thực bền vững và cách mạng kỹ thuật số.
Các quốc gia đang phát triển cần tài chính và công nghệ để thực hiện việc chuyển đổi ít gây gián đoạn nhất về xã hội./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)