Phát biểu tại cuộc họp báo khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói: "Đầu tư và thương mại là những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, chúng tôi không muốn làm tổn hại nó". Bà Lagarde kêu gọi các bên liên quan giải quyết những tranh cãi thông qua đối thoại.
Theo bà Lagarde, hợp tác quốc tế đã mang lại nhiều yếu tố tích cực cho thế giới, cũng như tạo ra nhiều tiến bộ cho nhiều người hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, song giờ đây nó đang bị nghi ngờ. Bà Lagarde hoan nghênh các cuộc thảo luận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cho rằng những bất đồng nên được giải quyết trong một diễn đàn đa phương và mỗi nước nên giải quyết những rào cản thương mại của riêng mình.
Còn Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Azevedo cảnh báo "một sự sụp đổ trong các mối quan hệ thương mại giữa những người chơi chính có thể làm trật bánh đà phục hồi" được ghi nhận trong những năm gần đây, đe dọa sự mở rộng kinh tế và đẩy nhiều việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông, các nước nghèo sẽ là những nước phải hứng chịu tác động nặng nề nhất của một cuộc chiến thương mại.
Ông Azevedo cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra một chuỗi các biện pháp đơn phương, "ăn miếng trả miếng," gây bất ổn nền thương mại và đe dọa tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu bởi những đối tượng thiệt hại không chỉ gói gọn trong các nước có liên quan trực tiếp.
Trong khi đó, phát biểu bên lề hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định thế giới đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại và khả năng sụp đổ của trật tự đa phương, đe dọa đến nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu. Ông chỉ trích các chiến lược thương mại của Mỹ, đồng thời tuyên bố Pháp sẽ không bị cuốn vào một vụ tranh chấp "vô nghĩa" với Trung Quốc.
Theo ông Le Maire, các nước EU không thể chấp nhận nguy cơ về các biện pháp hạn chế thương mại cũng như các chính sách thuế mới của Mỹ luôn rình rập. Ông nêu rõ, nếu Mỹ và EU muốn giải quyết vấn đề thương mại, một vấn đề về mối quan hệ mới với Trung Quốc với mong muốn nước này tham gia vào một trật tự đa phương mới, điều đầu tiên là phải loại bỏ mối đe dọa trên.
Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lại cho rằng sai lầm thuộc về những quốc gia áp dụng các chính sách thương mại không công bằng. Quan chức tài chính hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các hoạt động thương mại toàn cầu bất bình đẳng cản trở tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Mỹ và thế giới và là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu".
Mặc dù đều nhất trí cho rằng các tranh chấp thương mại là mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu, song các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng nhóm G20 không đưa ra bước đi cụ thể nào nhằm giải quyết vấn đề trên.
Phát biểu với báo giới ngày 20/4 sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne cho biết trong khi có sự nhất trí mạnh mẽ về những lợi ích của thương mại thì vẫn có một số ý kiến trái chiều về vai trò của chủ nghĩa đa phương. G20 coi thương mại là một yếu tố đánh giá các điều kiện kinh tế, song không đưa ra biện pháp cụ thể nào để giải quyết các tranh chấp thương mại. Vì vậy, theo ông Dujovne, G20 cần nhận ra những hạn chế của mình.
Tuyết Minh (tổng hợp)