Một trong những chủ đề chính của hội nghị lần này là nguy cơ gián đoạn thương mại toàn cầu do chính sách bảo hộ xuất hiện, mà đứng đầu là Mỹ.
Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, sau hơn một năm nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ hoặc buộc phải đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đặc biệt, gần đây, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế mới lên thép và nhôm nhập khẩu.
Do vậy, tại Hội nghị G20 lần này, những lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã trở thành mối quan tâm của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương.
Các đại biểu tham dự một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu dựa trên luật lệ quốc tế nhằm đối phó với những mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ.
Bởi vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên, các bên đã có những tranh cãi xung quanh quyết định áp thuế mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các sản phẩm thép và nhôm, dẫn tới phản ứng gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Thậm chí các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, như Liên minh châu Âu (EU), từng đe dọa trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng cho rằng không có ai là người chiến thắng nếu chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi”, trong khi các đối tác thương mại chính của Mỹ đều cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới khi một cuộc chiến thương mại nổ ra.
Các quan chức châu Âu cũng đều thống nhất cho rằng một khi chiến tranh thương mại diễn ra thì sẽ chỉ làm cho đôi bên bị tổn hại và G20 thống nhất ủng hộ "chủ nghĩa đa phương". Bởi đó là phương cách tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tự do mậu dịch vốn được hình thành và phát triển sau nhiều thập niên cộng đồng quốc tế tìm kiếm các giải pháp.
RFI dẫn lời đồng chủ tịch khối nghị sĩ bảo vệ môi trường ở Nghị viện châu Âu Philippe Lambert cho rằng: “Châu Âu phải phản đối, đó là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc hành động, đừng đổ thêm dầu vào lửa khiến tình hình rối loạn thêm. Một mặt, châu Âu không để cho Mỹ áp đặt, nhưng mặt khác, cũng không nên để các phản ứng của chúng ta làm WTO suy yếu thêm. Nói cách khác, phải sử dụng tối đa khuôn khổ của WTO để đáp trả chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động chống toàn cầu”.
Theo chuyên gia kinh tế Guillermo Valles Gamés, cựu Giám đốc Cơ quan Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), các nước có trách nhiệm cần phải tìm biện pháp cân bằng để tránh chủ nghĩa bảo hộ đơn phương lên ngôi và có nguy cơ gây bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ không phải là biện pháp giải quyết những khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu trong thời đại hiện nay.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ hành động thuế quan của Washington là một biện pháp phòng vệ thích đáng. Phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề hội nghị, ông Mnuchin nêu rõ: "Chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động vì lợi ích của Mỹ một lần nữa để bảo vệ thương mại tự do và công bằng, đối ứng".
Còn về những nguy cơ những nước khác có thể đáp trả, ông Mnuchin nói: "Có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, Tổng thống nói rằng chúng tôi không sợ bước vào chiến tranh thương mại, với quy mô thị trường của chúng tôi, quy mô nền kinh tế của chúng tôi và thực tế là chúng tôi có thâm hụt thương mại lớn"?! Hay nói cách khác, Mỹ sẳn sàng đương đầu một cuộc chiến tranh thương mại với phần còn lại của thế giới vì lợi ích của riêng mình.
Trước những gia tăng căng thẳng, một xu hướng khác đã xuất hiện nhằm làm giảm nhiệt là các bên có liên quan cần tăng cường các đối thoại nhằm tìm cách dung hòa các lợi ích.
Như VOA dẫn tuyên bố cuối cùng của các bộ trưởng G20 cho hay: "Chúng tôi tái khẳng định những kết luận của các nhà lãnh đạo về thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hamburg (Đức-2017) và thừa nhận sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại và hành động. Chúng tôi đang nỗ lực củng cố những đóng góp của thương mại vào nền kinh tế của chúng tôi".
Dư luận đang hồi hộp chờ đợi những diễn tiến trong những ngày tới và hi vọng các bên liên quan “đối thoại” để tìm lối thoát chứ không phải là cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu mà cuối cùng phần thắng chẳng thuộc về ai.
Tuyết Minh