Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản, triển khai lần đầu tiên trong số những biện pháp có thể về một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm chống lại lạm phát.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% lên phạm vi 0,25-0,5%.
Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất chuẩn mà các ngân hàng tính cho các khoản vay lẫn nhau và được sử dụng để thiết lập chi phí đi vay đối với thẻ tín dụng, các khoản vay mua ôtô và thế chấp.
[Fed: Khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng tới chi tiêu, đầu tư ở Mỹ]
Các quan chức Fed đã báo hiệu trong nhiều tháng rằng cơ quan này sẽ tăng lãi suất vào tháng Ba và bắt đầu kéo lại lãi suất kích thích sau hai năm kinh tế tăng trưởng nhanh và lạm phát cao.
Việc tăng lãi suất diễn ra gần đúng hai năm sau khi Fed cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng để kích thích nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19.
Ngoài 2,1 triệu trong số hơn 20 triệu việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch bùng phát, nền kinh tế Mỹ kể từ đó đã phục hồi, tăng 5,7% vào năm 2021 và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Các nhà kinh tế đánh giá cao biện pháp kích thích nền kinh tế chưa từng có từ cả FED và Quốc hội Mỹ, bên cạnh việc phát triển nhanh chóng vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ đã kéo theo giá tiêu dùng tăng vọt, trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng và một số gói kích cầu của chính quyền Biden đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng vọt, kéo theo sự hạn chế nguồn cung do đại dịch gây ra, cũng như tình trạng thiếu lao động, tồn đọng sản xuất, tắc nghẽn vận chuyển và ngừng hoạt động ở nước ngoài đã đẩy giá lên cao hơn.
Lạm phát hàng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo "ưa thích" của Fed, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - gấp ba lần mục tiêu trung bình hàng năm của Fed là 2%.
Trong khi lạm phát cao được giới hạn ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thiếu hụt nguồn cung cụ thể vào đầu năm 2021, giá thực phẩm, năng lượng, nhà ở và một loạt các dịch vụ đã bắt đầu tăng với tốc độ nhanh hơn trong những tháng gần đây.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và trước đó thừa nhận với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng ngân hàng đã đánh giá sai thời gian diễn ra lạm phát.
Fed đã đình chỉ việc tăng lãi suất cho đến năm 2021 khi lạm phát tăng lên, kỳ vọng giá cả sẽ hạ nhiệt khi tác động của kích thích tài khóa giảm dần và chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động trở lại.
Nhưng sự xuất hiện của các biến thể Delta và Omicron đã làm trầm trọng thêm nhiều nguồn lực. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine và bùng phát COVID-19 gần đây ở Trung Quốc cũng đe dọa sẽ làm tăng giá thực phẩm và năng lượng nhiều hơn./.
Bùi Đại Thắng (TTXVN/Vietnam+)