Trước đó, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25% từ mức 0 - 0,25% lên 0,25 - 0,5% vào tháng 3 vừa qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% - 1%.
Mỹ hiện đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào đợt suy thoái.
"Lạm phát đang ở mức quá cao. Và chúng tôi hiểu được khó khăn mà nó gây ra", Chủ tịch FED Jerome Powell nói và cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để hạ nhiệt lạm phát "một cách nhanh chóng".
Chủ tịch FED thừa nhận lãi suất cao hơn cũng ảnh hưởng đến người dân, nhưng cho rằng người dân sẽ được lợi hơn nếu lạm phát được kiềm chế càng sớm càng tốt.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Powell cho biết "việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sẽ được bàn bạc trong những cuộc họp tiếp theo". Chủ tịch FED cho rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 6 và tháng 7 tới đây. Một số nhà kinh tế cho rằng lãi suất có thể còn tăng ở những tháng sau đó.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 6,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022, trong khi FED đặt mục tiêu lạm phát hàng năm ở ngưỡng 2%.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã buộc FED phải hạ lãi suất xuống gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái. Bên cạnh khối tài sản cao kỷ lục 9.000 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, Mỹ còn bơm khoảng 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các gói kích thích.
Ngày 28/4 vừa qua, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 đã giảm 1,4%. Đây là lần sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.
Mới đây, trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ xuống còn 3,7% trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã gia tăng tại nhiều quốc gia do mất cân đối nguồn cung và nhu cầu bị ảnh hưởng do đại dịch. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài.
"Lạm phát đã trở thành nguy cơ rõ ràng và hiện hữu đối với nhiều quốc gia. Nhiều Ngân hàng Trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự gián đoạn do xung đột tại Ukraine sẽ càng làm gia tăng áp lực hơn nữa. Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao, buộc các nhà hoạch định chính sách phải có phản ứng mạnh mẽ hơn", chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định./.
H.Hà (Theo Reuters, The New York Times)