Theo biên bản cuộc họp chính sách ngày 7-8/11 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - và được công bố ngày 29/11, hầu hết các quan chức Fed đều nhất trí rằng kế hoạch từng bước bình thường hóa chính sách tiền tệ vẫn phù hợp.
Đa số chuyên gia cho rằng một đợt tăng lãi suất sẽ sớm được triển khai nếu các thông tin về thị trường lao động và lạm phát sắp tới phù hợp hoặc cao hơn so với những kỳ vọng hiện nay của Fed.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bày tỏ không chắc chắn về thời điểm điều chỉnh lãi suất trong tương lai.
[Chủ tịch Fed Jerome Powell "đánh tiếng" về lộ trình tăng lãi suất]
Họ cho rằng mức lãi suất hiện tại có thể đang gần ngưỡng "trung tính," và do đó việc có thêm các đợt nâng lãi suất có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng thảo luận về sự thay đổi trong các tuyên bố mà Fed đưa ra sau mỗi cuộc họp chính sách của FOMC, đặc biệt là cụm từ "nâng lãi suất dần dần."
Nhiều quan chức tham gia cho rằng sẽ là phù hợp nếu những tuyên bố trong các cuộc họp tiếp theo nhấn mạnh nhiều hơn tới việc đánh giá các dữ liệu thông tin sắp tới để dự báo về triển vọng kinh tế và chính sách.
Thay đổi này sẽ giúp truyền đạt "cách tiếp cận linh hoạt" của FOMC trước tình hình kinh tế đang không ngừng biến động, trong khi thị trường cũng tin rằng điều này báo hiệu những thay đổi tiềm tàng trong các quyết định nâng lãi suất của Fed trong năm tới.
Biên bản cuộc họp của Fed được công bố một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ám chỉ rằng sẽ không tăng lãi suất thêm nữa.
Trong phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, Chủ tịch Powell đã cho thấy lập trường trung lập của mình khi tuyên bố mức lãi suất hiện vẫn ở mức thấp trong lịch sử, nhưng chỉ thấp dưới một chút so với mức "trung tính," tức là ở tỷ lệ không giúp kích thích cũng như không kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà phân tích thị trường xem tuyên bố trên là chỉ dấu về khả năng Fed sẽ tạm ngừng lộ trình tăng lãi suất, bởi lãi suất "trung tính" có thể được sử dụng để quyết định một mức mục tiêu để ngân hàng trung ương hoàn tất quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Sau khi biên bản cuộc họp trên được công bố, thị trường chứng khoán Phố Wall đã đảo chiều đi xuống sau ba phiên tăng điểm liên tiếp trước đó.
Ngoài ra, những thông tin tiêu cực về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Buenos Aires (Argentina) cũng góp phần khiến thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 25.338,84 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 2.737,80 điểm.
Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,3% đóng cửa ở mức 7.273,08 điểm.
Trước đó, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều bật tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 28/11 sau khi Chủ tịch Powell phát biểu rằng Fed có thể không nâng lãi suất lên quá cao.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách mới nhất vừa được công bố cho thấy Fed vẫn dự định nâng lãi suất tiếp trong tháng 12 tới.
Trái với diễn biến tại thị trường Phố Wall, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu ánh lên trong sắc xanh trong phiên giao dịch ngày 29/11, nhờ hy vọng Fed sẽ ôn hòa hơn trong kế hoạch nâng lãi suất.
Khép lại phiên này, tại thị trường London (Anh), chỉ số FTSE 100 tăng 0,5% lên 7.038,95 điểm. Ở Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 cũng tiến 0,5% lên 5.006,25 điểm.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 "đi ngang" và giữ ở mức 11.298,23 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2%, lên 3.174,16 điểm.
Hiện, giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
Những thông tin tiêu cực về triển vọng đạt thỏa thuận thương mại giữa hai cường quốc thế giới này đã phần nào khiến thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ./.