Ngày 4/8, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết tháng 7/2023, chỉ số giá lương thực thế giới đã hồi phục từ mức đáy của hai năm, nhờ thị trường dầu thực vật tăng giá, do lo ngại về những căng thẳng mới nhất trong thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể gây ảnh hưởng tới sản lượng toàn cầu.
Cụ thể, chỉ số này đạt 123,9 điểm, tăng so mức đã điều chỉnh của tháng 6/2023 là 122,4 điểm.
Trước khi điều chỉnh, số liệu chỉ số lương thực thế giới trong tháng 6/2023 là 122,3 điểm, xác lập mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Mặc dù, đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng chỉ số của tháng Bảy năm nay vẫn thấp hơn 12% so với một năm trước đó và thấp hơn 22% so với mức đỉnh ghi nhận được vào tháng 3/2022, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu xảy ra.
Trong số các mặt hàng thực phẩm chính được giao dịch nhiều nhất, giá dầu hướng dương đã phục hồi hơn 15% so với tháng trước, phần lớn xuất phát từ sự không chắc chắn xung quanh thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, có thể gây rủi ro tắc nghẽn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Những lo ngại về hoạt động sản xuất toàn cầu yếu kém và giá dầu thô tăng đã góp phần hơn nữa đẩy giá các loại dầu thực vật lên ngưỡng cao hơn.
[Lo ngại tăng lạm phát, IMF kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo]
Tuy nhiên, giá ngũ cốc thế giới trong tháng Bảy đã giảm 0,5%, do sự sụt giảm sản lượng ngũ cốc thô, trong khi sản lượng lúa mỳ và gạo tăng cao.
Vài tuần trước, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo để bình ổn giá trong nước và ứng phó tác động của hiện tượng thời tiết El Nino phá hoại mùa màng, góp phần đưa giá gạo tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm.
Cũng trong tháng Bảy, giá đường giảm gần 4%, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, do triển vọng nguồn cung thuận lợi ở Brazil và Ấn Độ, mặc dù giá hiện tại của mặt hàng này đã cao hơn gần 30% so với một năm trước./.
Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)