Facebook thông báo khôi phục quyền truy cập tin tức tại Australia 

(ĐCSVN) – Ngày 23/2, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Facebook xác nhận, nền tảng truyền thông xã hội này sẽ khôi phục tin tức của các tổ chức báo chí Australia, sau khi chính phủ nước này nhất trí sửa đổi dự luật buộc hãng phải trả tiền cho các công ty truyền thông nước sở tại liên quan tới việc sử dụng nội dung tin tức.
Facebook thông báo khôi phục quyền truy cập tin tức tại Australia

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, gã khổng lồ công nghệ bày tỏ: “Sau các vòng đàm phán, chúng tôi hài lòng về việc chính phủ Australia đồng ý với một số thay đổi và bảo đảm giúp cởi bỏ những quan ngại cốt lõi từ phía chúng tôi, mở đường cho các thỏa thuận thương mại thừa nhận giá trị mà nền tảng chúng tôi mang lại cho các nhà xuất bản, dựa trên giá trị mà chúng tôi nhận được từ họ… Cùng với những sự thay đổi này, giờ chúng tôi có thể hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào báo chí vì lợi ích cộng đồng và khôi phục tin tức của Australia trên Facebook trong những ngày tới”.

Ông Campbell Brown - Phó Chủ tịch mảng quan hệ tin tức quốc tế Facebook cùng ngày cũng lên tiếng xác nhận, sau các cuộc đàm phán với chính phủ Austrlia, nền tảng truyền thông xã hội này sẽ dỡ bỏ việc chặn tin tức của các tổ chức báo chí Australia xuất hiện trên nền tảng của mình trong vòng vài ngày tới.

“Chính phủ Australia đã làm sáng tỏ rằng, chúng tôi sẽ giữ lại khả năng quyết định xem liệu tin tức có xuất hiện trên Facebook hay không để chúng tôi không tự động phải đối mặt với một cuộc thương lượng bắt buộc… Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức trên toàn cầu và chống lại nỗ lực của các tập đoàn truyền thông nhằm thúc đẩy các quy định không tính đến việc trao đổi giá trị thực giữa các nhà xuất bản và các nền tảng như Facebook” – ông Brown cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cũng cho biết, ông đã liên hệ với ông chủ mạng xã hội đình đám Mark Zuckerberg trong bối cảnh đôi bên đang tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khúc mắc xung quanh dự luật mới.

Gần 1 tuần qua, Facebook đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước trên thế giới, sau khi gã khổng lồ công nghệ chặn quyền truy cập tin tức nội địa của Australia trên nền tảng truyền thông xã hội này nhằm phản đối Bộ quy tắc thương lượng giữa các phương tiện truyền thông và các hãng tin tức do Chính phủ Australia đề xuất. Nếu được thông qua, bộ quy tắc sẽ buộc các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các tổ chức báo chí Australia, trừ khi hai bên chủ động ký kết thỏa thuận. Việc Facebook nhấn nút “unfriend” những nội dung tin tức của Australia đã khơi mào cho một “màn so găng” gây nhiều chú ý, đặc biệt là các nước như Canada và Anh, vốn cũng đang cân nhắc áp dụng những quy định pháp luật tương tự.

Cả Facebook và chính phủ Australia đều có lý lẽ riêng trong cuộc chiến lợi ích đã nhiều lần leo thang tới đỉnh điểm trong gần 1 tuần qua. Chính phủ Australia cho rằng, thông tin báo chí góp phần làm tăng doanh thu cho các ông lớn công nghệ, vì thế họ nên trả tiền.  Song Facebook thì lại cho rằng các tổ chức truyền thông sử dụng nền tảng số để chia sẻ tin tức và họ không có lý do gì phải trả chi phí cho việc xuất bản tin tức của các hãng truyền thông.

Việc ai đúng, ai sai đến đâu vẫn còn chưa ngã ngũ. Song rõ ràng, “màn so găng” giữa Facebook và chính phủ Australia đã khiến cả đôi bên đều thiệt hại. Một giải pháp thỏa đáng là điều cần được ưu tiên.

Những thay đổi mà chính phủ Australia đưa ra là gì ?

Dự luật mà chính phủ Australia dự kiến thông qua sẽ buộc các nền tảng số phải trả tiền cho các công ty truyền thông và các nhà xuất bản nước sở tại để liên kết nội dung tin tức vào nguồn cấp tin tức (News feed) hay kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, theo những sửa đổi được đưa ra, chính phủ Australia sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại mà các nền tảng kỹ thuật số như Google và Facebook đã thực hiện với các doanh nghiệp truyền thông địa phương, trước khi quyết định xem Bộ quy tắc thương lượng có được áp dụng cho các gã khổng lồ công nghệ này hay không. Chính phủ Australia cũng sẽ phát thông báo trước 1 tháng tới những nền tảng kỹ thuật số, trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra.

Dự luật sửa đổi cũng đề cập tới quãng thời gian hòa giải kéo dài trong 2 tháng, cho phép các nền tảng kỹ thuật số và giới xuất bản có thể tìm kiếm thỏa thuận trước khi đưa vấn đề ra trọng tài xét xử như một phương sách cuối cùng.

Dự luật quy định, trong trường hợp cả hai bên không thể tiến tới một thỏa thuận thương mại, thì chính phủ sẽ chỉ định trọng tài – người có thể quyết định về mức phí cuối cùng bằng cách đưa ra phán quyết có lợi cho một trong hai bên (phía nền tảng kỹ thuật số hoặc nhà xuất bản).

Chính phủ Australia hy vọng, những thay đổi được đưa ra ngày 23/2 sẽ khiến các nền tảng kỹ thuật số và các tổ chức tin tức được “sáng tỏ hơn” về cách thức thực hiện Bộ quy tắc thương lượng. Diễn biến này cũng sẽ góp phần “tạo thêm động lực để các bên tham gia vào các vòng đàm phán thương mại”./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
141 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1255
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1255
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109815