EVFTA: Muốn phóng trên 'cao tốc' thì phải làm tốt 'đường gom', 'lối mở' 

(Chinhphu.vn) - Để doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, chúng ta phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để thuận tiện tiến vào con đường chính. Đó chính là những luật, nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó.
EVFTA: Muốn phóng trên 'cao tốc' thì phải làm tốt 'đường gom', 'lối mở'

Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 9 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Cần có cơ chế hướng dẫn để không lỡ hẹn

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá hơn cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất, có tính tương hỗ, bổ sung cao nhất với nền kinh tế Việt Nam.

 

Có thể nói, giống như một con đường "cao tốc" hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -  EU sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút “thông xe” cho con "đường cao tốc" quan trọng này. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để "đoàn xe" DN và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này.

 

Trong đó, trước tiên, để DN và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, ta phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào "cao tốc". Đó chính là những luật, nghị định, thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để Hiệp định có hiệu lực, để xe đi lên được đường cao tốc.

 

Đại diện cộng đồng DN đánh giá, có không ít các văn bản quy phạm pháp luật cần phải xây dựng, sửa đổi cả ở tầm văn bản luật, nghị định, thông tư.

 

Thực tế, các cơ quan nhà nước đã xây dựng kế hoạch triển khai, nhưng qua những vướng mắc trong việc thực thi CPTPP, thì chúng ta không thể không lo ngại. Có không ít văn bản đã ban hành chậm trễ, sự phối hợp giữa các bộ ngành cũng chưa thật hài hoà.

 

“CPTPP đã có hiệu lực từ một năm rưỡi qua, nhưng cho tới giờ phút này, có những văn bản hướng dẫn thực thi vẫn còn lỡ hẹn. Làm sao để tình trạng này không tái diễn với EVFTA”, ông Lộc bày tỏ mong muốn.

 

Đại diện VCCI cho rằng, thực tế có nhiều các quy định có thể ban hành ngay sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn để bảo đảm thực thi ngay. Ví như các văn bản hướng dẫn ở cấp Chính phủ và các bộ ngành liên quan tới thuế quan, thủ tục cấp và tiếp nhận C/O ưu đãi, mở cửa thị trường dịch vụ, điều chỉnh các hàng rào phi thuế, các chế định tạo thuận lợi thương mại …

 

“Cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi, điều chỉnh các văn bản luật để bảo đảm thực thi theo quy trình một luật sửa nhiều luật, chứ không nhất thiết phải chờ sửa đổi từng luật. Tôi thấy phần lớn các luật bảo đảm thực thi EVFTA chỉ được đưa ra Quốc hội thảo luận vào năm 2021, tôi đề nghị tính xem liệu có thể bắt đầu sớm hơn từ cuối năm nay để có thể đẩy nhanh quá trình thực thi hiệp định”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Chủ động kiến tạo vượt trên cam kết
 

Chủ tịch VCCI cho rằng, để có nhiều xe đi trên "cao tốc", không chỉ cần những “đường gom”, “lối mở” mà cần nâng cấp cả những "con đường thể chế" khác có thẻ ví như đường “liên tỉnh”, “liên thành”, “nội đô”, “nội thị”… để tăng tốc cho các DN và nền kinh tế của chúng ta. "Con đường thể chế" là không thể chỉ bó gọn trong các quy định để nội luật hóa những lời hứa trong  Hiệp định, mà còn phải là những quy định, chính sách mở rộng theo yêu cầu nội tại của chính chúng ta, để hạn chế các tác động không mong muốn từ cam kết, hay để tạo sức bật, hỗ trợ các DN và nền kinh tế tận dụng tốt hơn các lợi ích từ Hiệp định.

 

Hiện tại, trong dự thảo kế hoạch thực thi EVFTA mới có các văn bản phải ban hành theo cam kết, chưa thấy văn bản nào Việt Nam chủ động dự kiến để tạo không gian và động lực cho chính chúng ta.

 

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn ví dụ với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, thì mặc dù về lý là ta không cần văn bản nào để nội luật hóa, nhưng trên thực tế chắc chắn vẫn phải có các văn bản hướng dẫn chi tiết đến từng ngành. Bởi vì các cam kết này quá phức tạp, liên quan cùng lúc tới nhiều mối quan hệ ngang, dọc, chung, riêng khác nhau, không dễ để các cơ quan Nhà nước ở địa phương thực thi thống nhất, càng không dễ để DN có thể hiểu và thực hiện.

 

Đại diện VCCI nhấn mạnh: DN phải hiểu thật chắc về Hiệp định thì mới có cơ hội. Việc phổ biến những kiến thức chung chung về lợi ích vĩ mô, về tổng số dòng thuế cắt giảm, về các nguyên tắc xuất xứ … được trình bày sơ sài chỉ trong một, hai buổi thì hiệu quả không cao. DN khó có thể dựa vào đó để mà giao dịch và hưởng lợi. DN cần các hướng dẫn tỉ mỉ, rành mạch, các tài liệu để có thể tra cứu rõ ràng khi cần thiết. Lúc này, DN rất cần những địa chỉ có thẩm quyền, có thể giải đáp, hướng dẫn khi có những cách làm và cách hiểu khác nhau.

 

“Với các Hiệp định FTA đã có trước đây, chúng ta chưa thực sự làm tốt việc này”, ông Lộc thẳng thắn thừa nhận.

 

Việt Nam cũng phải làm quyết liệt công tác tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan ở cả Trung ương và địa phương, hướng dẫn thực hiện và thường xuyên rà soát, kiểm tra trên thực tế. Mục tiêu là để bảo đảm cán bộ thừa hành phải biết và hiểu đúng việc cần làm; ngăn chặn được các biểu hiện xin-cho, nhũng nhiễu “hành” DN, tạo ra “ổ gà, ổ voi thủ tục” trong quá trình thực thi Hiệp định “cao tốc” quan trọng này.

 

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang làm điều này, ở quy mô rộng, bền bỉ từ nhiều năm nay, với quyết tâm cao thông qua các chuỗi Nghị quyết của Chính phủ; từ các bộ ngành thể hiện ở các đợt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; các địa phương qua các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 

Dù đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng thủ tục hành chính vẫn phiền hà, môi trường kinh doanh vẫn còn cần nhiều bước đi quyết liệt nữa mới có thể được coi là thực sự thuận lợi, đặc biệt là để vươn tới các chuẩn mực hàng đầu trong ASEAN và quốc tế.

 

“Những nỗ lực cải cách này phải được tăng tốc, nếu chúng ta muốn thành công”.

 

Đối với DN và các cơ quan Nhà nước có liên quan, "đường cao tốc" EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để DN và đất nước tận dụng được những cơ hội từ "đường cao tốc" EVFTA, chúng ta phải đầu tư.

 

Với Nhà nước, để EVFTA thực sự là một động lực cải thiện nền kinh tế, Nhà nước cần phải đầu tư cho 3 công trình trụ cột – nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh: Hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Còn với các DN, ông Vũ Tiến Lộc góp ý: Trước hết, phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ Hiệp định. Sau đó có thể sẽ phải đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. DN có thể sẽ phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ, để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về lao động, môi trường. Tất nhiên, DN phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, để có được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá cả phải chăng đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 

“EVFTA chỉ mở ra con đường giao thương thuận lợi chứ không tự nhiên mang đến thành công cho bất cứ DN nào nếu DN đó không có đủ sức cạnh tranh”, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý.

 

Anh Minh

160 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1052
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1052
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87198361