EU viện trợ nhân đạo cho các nước châu Phi 

(ĐCSVN) – Ngày 13/4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 54,5 triệu Euro cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và di dân tại khu vực Các Hồ lớn châu Phi.

Theo đó, khoản hỗ trợ sẽ giúp cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Cộng hòa Congo và Burundi, đồng thời sẽ hỗ trợ những người tị nạn tại  CHDC Congo, Rwanda và Tanzania.

Ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của EU Janez Lenarcic cho biết: “Nhiều người ở khu vực Các Hồ lớn châu Phi đang phải đối mặt với xung đột và bạo lực, thiên tai, cũng như các đợt bùng phát dịch bệnh như dịch tả, bệnh sởi và virus Ebola, một mối đe dọa mà gần đây đã xuất hiện trở lại trong khu vực”.

Ông Janez Lenarcic cũng cho biết: “Đại dịch COVID-19 và những hậu quả về sức khỏe cũng như kinh tế xã hội đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo. Quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt là ở CHDC Congo, rất đáng lo ngại. Hỗ trợ của EU sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm, y tế, tăng cường khả năng ứng phó với tình huống khẩn cấp và thiên tai cũng như tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho những người phải di dời”.

Trong số 54,5 triệu euro, hơn 80% (44 triệu euro) sẽ được dành cho các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong số đó, 4,5 triệu Euro sẽ được dành cho giáo dục trong các tình huống khẩn cấp và 1,5 triệu Euro cho việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, 1,5 triệu euro dành cho công tác phòng chống thiên tai ở Cộng hòa Congo; 9 triệu Euro được phân bổ cho Burundi để phòng ngừa thiên tai và phục vụ giáo dục trong các tình huống khẩn cấp.

Đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất khó khăn  ở vùng Các Hồ lớn. Các quốc gia trong khu vực dễ xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng do di dân và xung đột. Đại dịch cũng đã đẩy nhanh các thách thức kinh tế xã hội cho khu vực, nơi vốn phải đối mặt với nhiều thập kỷ xung đột, các vấn đề kém phát triển, nghèo đói cùng cực và suy dinh dưỡng. Đợt bùng phát đại dịch Ebola thứ 11 tại CHDC Congo đã được tuyên bố kết thúc vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh lại tái bùng phát tại tỉnh Bắc Kivu, miền Đông nước này vào tháng 2/2021. Do đó, cần tiếp tục các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, truy vết, tiêm chủng…

EU nhận định chỉ hành động nhân đạo không thể giải quyết các nguyên nhân mang tính căn bản của các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Do đó, EU hiện đang áp dụng và thúc đẩy cách tiếp cận kết hợp viện trợ nhân đạo và phát triển, trong đó các nhà tài trợ hợp tác cùng nhau để tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa các bên tham gia viện trợ nhân đạo, hỗ trợ phát triển và ổn định trong khu vực.

Trước đó, ngày 12/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã tiến hành họp trực tuyến về tình hình khu vực Các Hồ lớn tại châu Phi. Tại cuộc họp, Đặc Phái viên của Tổng Thư ký LHQ về khu vực Các Hồ Lớn Huang Xia trình bày Báo cáo định kỳ 6 tháng về việc triển khai Thoả thuận hoà bình, an ninh và hợp tác cho CHDC Congo và khu vực. Ông Huang Xia cho biết, các nước khu vực Các Hồ Lớn liên tục duy trì cam kết thúc đẩy hợp tác ở cả cấp độ khu vực và song phương thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Huang Xia cho biết tình hình an ninh tại khu vực còn nhiều thách thức, đặc biệt là tại miền Đông CHDC Congo, nơi các nhóm vũ trang hoạt động khai thác và buôn bán tài nguyên bất hợp pháp. Trong khi đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 dù số ca nhiễm ở cả 13 nước khu vực hiện chỉ ở mức gần 2 triệu người và các nước đã có các biện pháp phòng ngừa từ rất sớm.

Đặc Phái viên thông tin thêm về kế hoạch triển khai Chiến lược của LHQ nhằm hỗ trợ củng cố hoà bình và an ninh tại khu vực với tầm nhìn trong vòng 10 năm tới. Chiến lược này được Tổng Thư ký phê duyệt vào tháng 10/2020 và các cơ quan liên quan của LHQ đang phối hợp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để triển khai.

Thoả thuận hoà bình, an ninh và hợp tác năm 2013 được 13 nước trong khu vực Các Hồ Lớn ký kết nhằm hợp tác duy trì hoà bình tại CHDC Congo và khu vực. Thoả thuận này do Liên minh châu Phi, Cộng đồng phát triển khu vực Nam Phi, Tổ chức khu vực Các Hồ Lớn và LHQ ký kết./.

 
Hoài Hà (Theo European Union)
142 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 566
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 566
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88308001