Theo phóng viên TTXVN tại EU, trong cuộc gặp, hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình vùng Vịnh hiện nay và các triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab là Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập.
Hai bên cũng thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố cũng như các vấn đề trong khu vực như tình hình tại Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông, Iran và Libya. Bên lề cuộc họp, bà Mogherini và Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cũng đã ký một thỏa thuận về hợp tác giữa Cơ quan Đối ngoại châu Âu và Bộ ngoại giao Qatar.
Thỏa thuận này là cơ sở giúp tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, nhất là lĩnh vực tư nhân, nghiên cứu và sáng tạo giữa EU và Kuwait.
Căng thẳng đã leo thang tại vùng Vịnh kể từ khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar hồi tháng 6/2017, với lý do cáo buộc Doha ủng hộ các phần tử Hồi giáo cực đoan và quá thân với Iran.
Các nước này đã cấm toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Doha, đồng thời cắt đứt hầu hết các mối liên hệ thương mại. Sau đó, 4 nước này đã đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu đối với Doha để chấm dứt khủng hoảng, trong đó có giảm quan hệ với Iran, đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera, lập tức dừng công trình xây dựng một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và cắt mọi quan hệ với "các tổ chức khủng bố" mà các nước này liệt kê, bao gồm phong trào Anh em Hồi giáo và phong trào Hezbollah ở Liban, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm Fatah al-Sham (trước đây là Mặt trận al-Nusra) ở Syria....
Tuy nhiên, đáp lại các động thái của các nước Arab, Qatar đã thẳng thừng tuyên bố bản yêu sách đó không hợp lý và vi phạm chủ quyền của Doha. Qatar đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc, và gọi đây là hành vi can thiệp vào đường lối ngoại giao độc lập của nước này./.