Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU đã công bố một Đạo luật mới có tên gọi “Đạo luật Chips châu Âu”, cho phép đầu tư hàng chục tỷ euro nhằm giúp tăng cường năng lực sản xuất chip của khối trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu.
EC dự kiến sẽ nâng thị phần sản xuất chip điện tử của khối từ mức 9% hiện nay lên 20% vào năm 2030.
|
Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch “Đạo luật Chips châu Âu”, cho phép đầu tư
hàng chục tỷ euro nhằm giúp tăng cường năng lực sản xuất chip của khối
trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg/Getty Images) |
“Đại dịch đã phơi bày lỗ hổng của chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt chip đã thực sự làm chậm quá trình phục hồi của EU”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh.
Thúc đẩy sản xuất chip tại EU là một trong những lời hứa quan trọng mà bà Ursula von der Leyen đưa ra trong bài diễn văn trước Nghị viện châu Âu: “Công nghệ số là một vấn đề sống còn. Chúng tôi sẽ trình bày một Đạo luật Chips châu Âu mới. Mục tiêu ở đây sẽ là chung tay tạo ra một hệ sinh thái chip châu Âu tiên tiến nhất, bao gồm cả khâu sản xuất. Điều đó sẽ bảo đảm duy trì nguồn cung và phát triển các thị trường mới cho công nghệ đột phá của châu Âu”.
Việc thiếu hụt chip bán dẫn đã tạo ra rủi ro lớn nhất đối với quá trình hồi phục kinh tế của EU từ hậu quả đại dịch COVID-19 để lại. EC vào năm ngoái đã công bố kế hoạch đầu tư 20% quỹ phục hồi dịch COVID-19, có giá trị 750 tỷ USD vào các dự án công nghệ.
Bà Ursula von der Leyen đã bày tỏ hối tiếc vì EU đã phải dựa vào thị trường sản xuất chip tại châu Á cũng như năng lực sản xuất của EU trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.
Chất bán dẫn, còn được gọi là chip, là thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ điện thoại thông minh đến ngành sản xuất ô tô. Đặc biệt, ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt này, sản lượng có thể tiếp tục bị sụt giảm, thậm chí phải tạm dừng sản xuất. Sản xuất chất bán dẫn đã trở thành ưu tiên chiến lược của EU và Mỹ, sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung, khiến các nhà máy sản xuất rơi vào tình trạng đình trệ.
EU đang tích cực triển khai kế hoạch tự chủ chiến lược trên mọi lĩnh vực và sản xuất chất bán dẫn là một phần trong kế hoạch tự chủ về công nghiệp. Ủy viên EU phụ trách lĩnh vực công nghiệp Thierry Breton khẳng định kế hoạch mới sẽ không chỉ thúc đẩy vị thế đi đầu của châu Âu, mà còn giúp EU kiểm soát hoàn toàn các chuỗi cung ứng nội khối. Ông khẳng định EU sẽ tự trang bị cho mình những phương tiện để đảm bảo an ninh nguồn cung, tương tự như Mỹ.
Nếu được thông qua, kế hoạch của EU có thể huy động tổng cộng 42 tỷ euro thông qua ngân sách chi tiêu hiện tại, cũng như nhờ nới lỏng những quy định hiện hành về trợ cấp công ở các nước thành viên. Đề xuất sẽ cần được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Thượng Viện Mỹ mới đây đã thông qua một Đạo luật mang tính bước ngoặt, đầu tư 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Việc mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những cam kết trước đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Chips.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh rất đáng chú ý trong ngành công nghệ thế giới./.
H.Hà (Theo CNBC, Bloomberg