Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 25/1, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết ông ủng hộ việc giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 sản xuất ở châu Âu trong bối cảnh Đức cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) khác đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung vắcxin khan hiếm, ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng vắcxin trong toàn liên minh.
Phát biểu với kênh truyền thông Đức DW, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh EU phải giám sát nguồn cung vắcxin COVID-19 bằng cách cần cấp phép cho việc xuất khẩu vắcxin sản xuất trong EU trong bối cảnh châu Âu đã chi hàng trăm triệu euro cho việc thúc đẩy năng lực sản xuất vắcxin.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu yêu cầu các công ty dược phẩm sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trong liên minh đăng ký xuất khẩu vắcxin sang những nước thứ ba.
[Thanh tra châu Âu điều tra hợp đồng mua vắcxin ngừa COVID-19 của EU]
Dự kiến, việc bắt buộc đăng ký sẽ có hiệu lực trong tuần này, theo đó châu Âu có thể theo dõi hoạt động xuất khẩu vắcxin của các công ty, khối lượng cụ thể được đưa ra khỏi châu Âu....
Theo Ủy viên phụ trách y tế châu Âu Stella Kyriakides, EU sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ công dân cũng như quyền lợi của liên minh.
Chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của EU đang vấp phải sự chỉ trích của người dân do triển khai chậm, tỷ lệ người dân được tiêm chủng thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ và Anh.
Tuần trước, công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca cảnh báo khối lượng vắcxin bàn giao cho châu Âu có thể thấp hơn kế hoạch do công ty gặp trục trặc trong dây chuyền sản xuất, cụ thể là từ nay tới cuối tháng 3/2021, chỉ có thể cung cấp cho các nước châu Âu 31 triệu liều, thay vì 80 triệu liều như kế hoạch.
Hiện vắcxin của AstraZeneca đang chờ được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng, dự kiến cuối tuần này.
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vắcxin AstraZeneca đã được sử dụng ở Anh và đã được một số quốc gia chấp thuận sử dụng khẩn cấp, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Argentina và Mexico.
Trong khi đó, công ty BioNTech/Pfizer cũng thông báo sẽ phải cắt giảm số liều vắcxin giao cho các nước EU do gặp phải vấn đề về cung ứng.
Cũng trong ngày 25/1, EU đã công kích AstraZeneca với cáo buộc công ty dược phẩm này không cung cấp các liều vacine ngừa COVID-19 theo đúng cam kết dù đã nhận được tài trợ của EU để tăng cường sản xuất vắcxin.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc hội đàm khẩn cấp với Giám đốc AstraZeneca, Pascal Soriot, và các quốc gia EU cũng đã gặp đại diện của AstraZeneca, yêu cầu công ty Anh-Thụy Điển này tăng cường sản xuất vắcxin và đạt được các mục tiêu theo hợp đồng.
Bà Kyriakides cho biết các câu trả lời của AstraZeneca cho đến nay vẫn chưa thỏa đáng và một cuộc họp tiếp theo đã được lên kế hoạch vào cuối ngày 25/1.
Thông báo của AstraZeneca về việc họ sẽ giao ít vắcxin hơn cho EU chỉ làm tăng áp lực lên liên minh 27 quốc gia, đặc biệt là kể từ khi Pfizer/BioNTech đã không hoàn tất việc giao vắcxin như đã cam kết với EU.
Pfizer đã tạm thời giảm việc cung cấp vắcxin sang EU và Canada do phải tiến hành cải tạo nhà máy ở Bỉ để tăng sản lượng tổng thể. Italy đã đe dọa sẽ kiện Pfizer vì sự chậm trễ này.
Việc trì hoãn khiến các mục tiêu ban đầu trong mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành của EU vào cuối mùa Hè sẽ trở nên khó khăn hơn.
EU đã ký sáu hợp đồng mua vắcxin với hơn 2 tỷ liều, nhưng cho đến nay mới chỉ có vắcxin Pfizer/BioNTech và Moderna được cấp phép sử dụng.
Cùng ngày, truyền thông Đức đưa tin vắcxin của AstraZeneca chỉ có hiệu quả rất thấp đối với những người cao tuổi.
Báo Handelsblatt cùng nhiều tờ báo khác của Đức dẫn các nguồn thạo tin từ Chính phủ Đức cho biết vắcxin AstraZeneca chỉ có hiệu quả 8% với những người trên 65 tuổi.
Báo Bild cũng dẫn các nguồn thạo tin cho biết vắcxin của AstraZeneca sẽ chỉ được EMA cấp phép tiêm cho những người dưới 65 tuổi.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời công ty AstraZeneca đã bác bỏ những thông này, cho rằng thông tin hoàn toàn không đúng sự thật./.
Mạnh Hùng-Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)